Cập nhật: Thứ hai 02/11/2020 - 11:39
Cán bộ công chức, viên chức Liên đoàn Lao động tỉnh đóng gói hàng hóa để ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ.
Cán bộ công chức, viên chức Liên đoàn Lao động tỉnh đóng gói hàng hóa để ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ.

Cùng với cả nước, những ngày qua, nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn hướng trái tim về miền Trung, Tây Nguyên, kịp thời hỗ trợ, sẻ chia với đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ. Để hiểu rõ hơn về các hoạt động cứu trợ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.

P.V: Trước hết, đồng chí có thể thông tin khái quát về công tác tiếp nhận ủng hộ và triển khai hoạt động cứu trợ đồng bào các tỉnh bị thiên tai của Ủy ban MTTQ tỉnh?

Đ/c Phạm Thái Hanh: Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ gây ra trong thời gian qua. Với tinh thần "Tương thân, tương ái", “Lá lành đùm lá rách”, sự ủng hộ, hỗ trợ của người dân Thái Nguyên thật đáng trân quý.

Theo quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ, Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai tại địa phương đó. Thực hiện nhiệm vụ này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã sớm ban hành văn bản đề nghị ban thường trực ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với chính quyền, hội chữ thập đỏ, các tổ chức thành viên tiếp nhận sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. Nguồn lực ủng hộ gửi về Quỹ Cứu trợ tỉnh do Ủy ban MTTQ tỉnh quản lý. Kết quả tiếp nhận hỗ trợ được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên; được đăng tải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác hỗ trợ cũng được thực hiện bài bản, đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã họp, đề xuất phương án hỗ trợ, sau đó có tờ trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy mới ra quyết định hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ được chuyển vào quỹ cứu trợ của ủy ban MTTQ các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ. Công tác này được thực hiện rất khẩn trương, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch.

P.V: Có thể thấy, công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân các tỉnh bị thiên tai đã được Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện rất bài bản, công khai, minh bạch, tạo được lòng tin trong nhân dân. Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã vận động được nguồn lực hỗ trợ như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Thái Hanh: Trước những khó khăn, mất mát của đồng bào vùng lũ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã trích Quỹ Cứu trợ tỉnh số tiền 1,1 tỷ đồng hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung, trong đó, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế 300 triệu đồng; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, mỗi tỉnh 200 triệu đồng. Đặc biệt, ngay sau khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ra lời kêu gọi, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tích cực ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại do mưa lũ. Đến hết ngày 30-10, nguồn lực vận động thông qua MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các hội trên địa bàn tỉnh trị giá trên 14,6 tỷ đồng, trong đó hàng hóa trị giá trên 3,8 tỷ đồng, tiền mặt hơn 10,8 tỷ đồng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực ủng hộ, như: T.P Sông Công 1,3 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 600 triệu đồng; T.P Thái Nguyên 1 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 400 triệu đồng; huyện Đại Từ trên 1,4 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 73 triệu đồng; huyện Phú Lương trên 1,1 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 135 triệu đồng; T.X Phổ Yên trên 2,1 tỷ đồng tiền mặt và 7,7 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác... Đến thời điểm này, tiền mặt đã chuyển về Quỹ cứu trợ tỉnh là 1,2 tỷ đồng. Với số tiền tiếp nhận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy để thực hiện công tác cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả nhất.

P.V: Thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân tự phát trực tiếp vào các tỉnh miền Trung hỗ trợ đồng bào. Ngoài những mặt tích cực, hoạt động này nảy sinh một số vấn đề phức tạp như tình trạng tắc một số tuyến đường; nhiều hàng hóa như quần áo, bánh chưng bị người dân vứt bỏ... Đồng chí có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Đ/c Phạm Thái Hanh: Như tôi đã nói ở trên, tình cảm, tấm lòng của người dân hướng về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là rất quý. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi ngàn đời qua của dân tộc ta. Trong điều kiện người dân bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, nguồn lực Nhà nước có hạn thì sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm là rất đáng trân trọng, ghi nhận, biểu dương.

Tuy nhiên, việc thực hiện cứu trợ một cách tự phát, không có điều tiết, quản lý, giám sát sẽ nảy sinh nhiều bất cập và thực tế những vấn đề xảy ra thời qian qua là một ví dụ. Khi hoạt động cứu trợ thực hiện tự phát, đoàn cứu trợ ấy không có được cái nhìn tổng quan về tình trạng thiệt hại của một địa phương, có thể dẫn đến tình trạng chỉ cứu trợ khu vực dễ đi lại, còn những khu vực vùng sâu, vùng xa, khó khăn thì chưa tới được. Lượng người, phương tiện đi về miền Trung quá lớn cũng gây áp lực lên hạ tầng giao thông, chính quyền địa phương trong điều kiện đang khó khăn, thiếu thốn do mưa lũ. Ngoài ra, những người đi cứu trợ tự phát cũng có thể gặp nguy hiểm với tình trạng sạt lở đất hay lũ cuốn. Chính vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh mong muốn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ thông qua MTTQ, Hội Chữ thập đỏ hoặc các tổ chức từ thiện hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh. Khi nguồn lực đóng góp có được sự tập trung, các hoạt động hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng thì công tác cứu trợ mới thật tự có hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quốc Tuân
(Thực hiện)