Cập nhật: Thứ năm 05/11/2020 - 15:59
Để phòng chống dịch bệnh, ngoài việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử độc tiêu trùng, người dân xã Linh Thông (Định Hóa) không tái đàn ồ ạt mà tuân thủ theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Để phòng chống dịch bệnh, ngoài việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử độc tiêu trùng, người dân xã Linh Thông (Định Hóa) không tái đàn ồ ạt mà tuân thủ theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Sau gần một năm quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Định Hóa đã cơ bản được kiểm soát trong nhiều tháng. Tuy nhiên mới đây, tại xã Phú Đình đã xuất hiện 1 ổ dịch tại hộ ông Đoàn Xuân Dương, xóm Phú Ninh. Thực tế này đang khiến cho việc tái đàn của người dân gặp nhiều khó khăn.

Sau khi ghi nhận trường hợp dương tính với virus tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Phú Đình, cơ quan chuyên môn của huyện Định Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng, dập dịch. Từ khi công bố dịch đến nay, chưa ghi nhận thêm ô dịch mới. Ông Phương Đình Nhật, xóm Nạ Tẩm, xã Phú Đình cho biết: Gia đình tôi thường duy trì số lượng đàn lợn khoảng 100 con. Dù chưa từng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhưng trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của loại dịch bệnh này nên tôi đã giảm mạnh số đàn nuôi, hiện chỉ còn 20 con lợn thịt để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh bằng cách rắc vôi bột thường xuyên, phun thuốc khử trùng, tiêu độc định kỳ 2 tuần/lần. Mới đây, trên địa bàn huyện đã tái xuất hiện ổ dịch, điều này khiến tôi không khỏi lo lắng.

Cũng giống như hộ ông Phương Đình Nhật, tại một số xã như: Quy Kỳ, Đồng Thịnh, Thanh Định - những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch trong năm 2019, qua thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, hầu hết các hộ dân thời gian qua đều rất hạn chế tái đàn và giảm bớt số lượng đàn nuôi để chuyển sang nuôi gia cầm và các loại vật nuôi khác. Tuy nhiên, khác với thời điểm đầu năm, những tháng gần đây, người chăn nuôi đang dần phục hồi sản xuất, dù tỷ lệ tái đàn còn thấp. Đến nay, đàn lợn của toàn huyện đạt khoảng 30.000 con, bằng khoảng 68% so với trước thời điểm dịch.

Ông Hoàng Văn Chung, xóm Rèo Cái, xã Bình Yên chia sẻ: Ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như những thiệt hại mà dịch bệnh có thể gây ra nên gia đình tôi đã giảm mạnh số đầu lợn từ 10 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt xuống còn 40 con lợn thịt, nhưng vẫn duy trì 10 lợn nái để phát triển lợn giống tại chỗ, tránh việc phải mua bên ngoài làm lây nhiễm dịch bệnh. Để phòng chống dịch bệnh, chuồng trại của gia đình tôi lúc nào cũng được vệ sinh sạch sẽ; tuyệt đối không cho người lạ vào. Năm ngoái, gia đình đã phải tiêu hủy toàn bộ trên 100 con lợn cũng vì thế tôi đã chuyển một phần chuồng sang nuôi gà để san bớt rủi ro.

Theo ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT: Năm 2019, toàn huyện Định Hóa đã phải tiêu hủy gần 2.700 con lợn. Với huyện nghèo như Định Hóa thì đây được xem là thiệt hại rất lớn khiến nhiều hộ trở nên kiệt quệ, đến giờ vẫn chưa có đủ nguồn lực đầu tư vào lứa mới. Sau dịch, người dân cũng còn e ngại về hệ thống chuồng trại có thể chưa hết mầm bệnh nên chưa muốn tái đàn. Mặt khác, giá lợn giống hiện ở mức cao, trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/con trong khi giá cả thị trường khá bấp bênh. Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, hạn chế thấp nhất rủi ro, Phòng đang phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn bà con thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng và các xã, thị trấn rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với những hộ nghi ngờ có lợn bị nhiễm bệnh để kịp thời xử lý nguồn lây, tránh tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, lay lan nguồn bệnh ra diện rộng. Phòng cũng khuyến cáo bà con không nên tái đàn ồ ạt vào thời điểm này mà theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, có uy tín và thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.

Việt Dũng