Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Phòng Kinh tế đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với UBND các xã, phường giới thiệu nội dung của Đề án đến người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương tổ chức tư vấn, tập huấn, học tập kinh nghiệm và hướng dẫn các HTX, hộ kinh doanh đăng ký, nộp hồ sơ sản phẩm; chấm điểm những sản phẩm đủ hồ sơ theo yêu cầu…
Qua chấm điểm cấp thành phố đã có 3 sản phẩm chè của HTX trà Cao Sơn (ở xã Bình Sơn), 1 sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến chè Thúy Vân (ở phường Châu Sơn) đạt từ 84 điểm trở lên. Chúng tôi đã gửi kết quả này để tỉnh tiếp tục đánh giá. Kết quả, trong 4 sản phẩm nêu trên thì 3 sản phẩm chè của HTX trà Cao Sơn (gồm chè tôm nõn, chè móc câu và chè đinh) được đánh giá 4 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế), còn tinh bột trà xanh của Công ty TNHH sản xuất và chế biến chè Thúy Vân được đánh giá 3 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao).
Khách hàng chọn mua sản phẩm tinh bột trà xanh của Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến chè Thúy Vân, ở tổ dân phố 3, phường Châu Sơn. Đây là 1 trong 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn T.P Sông Công.
Để có được kết quả trên, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn T.P Sông Công đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng từng sản phẩm. Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX trà Cao Sơn chia sẻ: Ngay sau khi thành lập HTX (tháng 8-2019), chúng tôi đã sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Yêu cầu các thành viên trong HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè (không sử dụng thuốc diệt cỏ; chỉ sử dụng đạm, lân hữu cơ và phân chuồng ủ mục; sử dụng thuốc thảo mộc để diệt sâu, bọ, côn trùng chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản chè…); thường xuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm chè của các thành viên trước khi thu mua… Nhờ đó, các sản phẩm trà của HTX sản xuất luôn đảm bảo về chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận.
Còn ông Trần Hanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến chè Thúy Vân thông tin: Chúng tôi hiện có 2ha vùng chè nguyên liệu, chuyên dùng để sản xuất tinh bột trà xanh. Do tinh bột trà xanh là sản phẩm “kén” thị trường nên để có được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chúng tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, chăm sóc cây chè. Khi sản xuất thành tinh bột trà xanh, Công ty sử dụng máy nghiền công nghệ hiện đại của Nhật Bản để nghiền ra tinh bột có độ mịn cao, 99% bột được hòa tan trong nước, bởi vậy không làm mất đi màu xanh và hương vị của trà.
Nhờ hướng đi đúng đắn cùng sự nỗ lực không ngừng, các sản phẩm trà của HTX trà Cao Sơn và Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến chè Thúy Vân đã được tỉnh đánh giá cao, có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm của các tổ chức đã khẳng định được thương hiệu, được người tiêu dùng đón nhận ngày càng nhiều hơn. Nói về kế hoạch, ông Ngô Quảng Bá cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã, phường, các HTX và công ty trên địa bàn tạo dựng thương hiệu, quảng bá cho các sản phẩm đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP; tạo liên kết chuỗi, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX; yêu cầu các HTX, công ty thực hiện chăm sóc, chế biến các sản phẩm chè theo đúng quy trình và theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông… Phấn đấu năm 2021 sẽ có thêm 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đó là du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, gạo Đài thơm 8 và gà sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ…
Có thể nói rằng, sản phẩm OCOP là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của mỗi địa phương. Khi chất lượng các sản phẩm được nâng cao, thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng lớn. Đây là tiền đề giúp người dân, nhất là người dân vùng nông thôn nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.