Cập nhật: Thứ ba 10/11/2020 - 19:08

Sau 2 năm thực hiện chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 27 tỉnh, thành phố, tính đến đầu tháng 10/2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.256 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng nam quan hệ đồng tính (MSM) có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện toàn quốc có 111 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.

Từ năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mạnh mẽ PrEP là một lựa chọn dự phòng bổ sung quan trọng, là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Vào tháng 06/2017, Bộ Y tế đã phối hợp với Dự án USAID/PATH Healthy Markets (HM) và Dự án UNAIDS để khởi động chương trình triển khai thí điểm PrEP tại 02 thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Kết quả thí điểm cho thấy không có trường hợp nào bị nhiễm HIV sau khi điều trị PrEP và có tính khả thi, hiệu quả, chấp nhận của người có nguy cơ cao đối với điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP. Dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kết quả thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5866/QĐ-BYT ngày 28/9/2018 về việc ban hành kế hoạch điều trị dự phòng PrEP giai đoạn 2018-2020.

HIV đang có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, hoàn thành chỉ tiêu điều trị PrEP năm 2020 và tăng ít nhất gấp gần 2,5 lần khách hàng được điều trị PrEP vào năm 2021 so với năm 2020, chúng ta thấy vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần phải được suy ngẫm, tìm ra nguyên nhân và có các giải pháp, kế hoạch quyết liệt hơn trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là: làm sao để nâng cao nhận thức về PrEP đối với các đối tượng đích hơn nữa, mở nhanh dịch vụ ở những tỉnh/TP có tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM cao, thu hút được nhiều khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV vào điều trị PrEP, kết nối tốt hơn nữa giữa các nhóm cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, duy trì tỷ lệ điều trị cao, sàng lọc và đưa được nhiều khách hàng bị đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan virus B, C đến các chuyên khoa liên quan để được điều trị kịp thời.

BS. Nguyễn Hữu Hải, Phó Trưởng phòng Điều trị và chăm sóc HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) cho biết, điểm mới của chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm năm nay có thêm PrEP tình huống. Hiện nay theo báo cáo thì có 254 khách hàng sử dụng PrEP theo tình huống. Hiện nay, 76 cơ sở y tế nhà nước cung cấp dịch vụ PrEP cho khoảng hơn 6.000 khách hàng và Y tế tư nhân có 20 cơ sở đang cung cấp cho khoảng 5.800 khách hàng. TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương có số khách hàng sử dụng PrEP nhiều nhất.

Ths. Trần Thanh Tùng, đại diện Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, xu hướng truyền thông năm tới sẽ tập trung vào nhóm đích MSM; đa dạng hóa truyền thông qua mạng xã hội cũng như các ứng dụng hẹn hò và tạo ra chiến dịch thân thiện với người dùng đồng thời chú ý đến những người có ảnh hưởng đến khách hàng đích.

Chương trình truyền thông tạo cầu cũng là một trong những chương trình quan trọng nhằm thu hút và tăng số lượng khách hàng tham gia sử dụng PrEP. Trong đó, các kênh truyền thông qua mạng xã hội như Facebook, các ứng dụng hẹn hò của nhóm đồng tính Nam (Blued) cũng rất quan trọng vì giúp tăng cường quảng bá chương trình PrEP. Những mạng xã hội và ứng dụng này khu trú và quảng bá trực tiếp đến đối tượng đích, thu hút sự quan tâm của các đối tượng đích. Đồng thời, việc tiếp tục truyền thông đại chúng và truyền thống cũng giúp tiếp cận các khách hàng đến với chương trình.

Ủng hộ chương trình PrEP tại Việt Nam, TS. Kimberly Green, Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV và Lao của PATH, giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets cho biết, chương trình PrEP được nhân rộng bằng cách tích hợp toàn diện các dịch vụ PrEP ở cả phòng khám công và tư, song song với các chiến dịch tạo cầu với sự tham gia của cộng đồng ngay từ khâu thiết kế chương trình. Các nhóm đích chỉ tiếp cận dịch vụ nếu họ biết thông tin và cảm thấy an toàn, tin tưởng người cung cấp dịch vụ. Hưởng ứng chương trình này, dự án USAID/PATH Healthy Markets đã hỗ trợ các tổ chức cộng đồng tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ PrEP, điều chỉnh dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, cùng đồng hành thiết kế các chiến dịch và sự kiện hướng tới khách hàng, đồng thời thực hiện một chương trình cải tiến chất lượng liên tục nghiêm ngặt.

Cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình, bà Ritu Singh, Giám đốc Văn phòng Y tế Việt Nam của USAID cho biết: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác giới thiệu các chiến lược dự phòng mới dựa trên bằng chứng khoa học đáng tin cậy, đảm bảo khách hàng PrEP nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục sử dụng PrEP. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác để giúp hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này”.


Theo Tiengchuong.vn