Tại hội trường, 454 đại biểu (94.19%) tham gia biểu quyết Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, 450 đại biểu (93.36%) tán thành; 1 ý kiến (0.21%) không tán thành và 3 đại biểu (0,62%) không biểu quyết.
Luật này gồm 8 chương, 76 điều quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.
Đối tượng áp dụng của Luật là Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định trong Luật đó là: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết: "Một số đại biểu tán thành quy định đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế; song một số ý kiến không đồng ý với quy định này".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, vấn đề này hiện nay đang được Chính phủ thực hiện thí điểm với số lượng còn rất ít cả về số địa phương thực hiện, số lượng lao động đưa đi, số nước tiếp nhận, làm việc chủ yếu theo mùa vụ, mô hình thực hiện cũng khác nhau, thời gian thí điểm ngắn và chưa được tổng kết, đánh giá.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục thí điểm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thí điểm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan và xin phép Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.