Cập nhật: Thứ bẩy 21/11/2020 - 17:35
Cử tri Nguyễn Thị Dung, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, T.P HCM nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri.
Cử tri Nguyễn Thị Dung, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, T.P HCM nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri cho rằng việc tiếp xúc cử tri ngoài thông qua các hội nghị, thì nên mở rộng qua điện thoại, email hoặc mạng xã hội.

Ngày 21-11, tổ Đại biểu Quốc hội T.P Hồ Chí Minh đơn vị số 7 có buổi tiếp xúc cử tri Quận 9. Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội T.P Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham dự.

Nêu ý kiến về mô hình chính quyền đô thị, cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A) cho rằng, khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường, quan trọng nhất là cách thức, lề lối làm việc của các cơ quan dân cử như Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố. Phải có sự phân công, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng đại biểu, chứ không thể trách nhiệm chung chung, rốt cuộc không ai chịu trách nhiệm.

Theo bà Dung, việc tiếp xúc cử tri ngoài thông qua các hội nghị, thì nên mở rộng qua điện thoại, email hoặc mạng xã hội. Tuy nhiên, rất ít Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố công khai số điện thoại cá nhân. Bà Dung nhận định, khi công khai có thể các vị đại biểu gặp phiền toái ở một mức độ nào đó, nhưng đã dấn thân vào con đường chính trị, là đại biểu của dân thì phải chấp nhận điều đó.

Bà Dung đề nghị không chỉ đại biểu mà cán bộ, công chức lãnh đạo của các cơ quan chính quyền phải công khai số điện thoại, địa chỉ email để thuận tiện trong việc cung cấp thông tin. Số điện thoại phải là cá nhân chứ không phải số máy bàn bởi khi bà Dung gọi hầu như không có người nghe. Có như vậy thì mô hình chính quyền đô thị mới hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội T.P Hồ Chí Minh cho biết: Khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường, thì vai trò của các cơ quan như HĐND thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, giám sát của cơ quan Đảng và thanh tra của cơ quan thanh tra sẽ được tăng cường.

Một kênh quan trọng mà T.P Hồ Chí Minh đã triển khai từ tháng 1/2018 đến nay là Quyết định 1374 của Thành uỷ T.P Hồ Chí Minh về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Qua gần 3 năm thực hiện, mỗi tháng thành phố kỷ luật 10 đảng viên, 11 cán bộ công chức. Ngoài ra, khi chính thức thực hiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì còn có phương pháp tiếp xúc, ghi nhận phản ánh của người dân khác.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Sẽ có lịch đối thoại với người dân ở cấp phường. Chủ tịch phường phải đối thoại với người dân định kỳ, sẽ giao cho mặt trận phối hợp tổ chức cùng cấp uỷ. Thành phố phải cam kết quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế, khẳng định bằng hoặc tốt hơn trước”.

Theo VOV.VN