Cập nhật: Thứ năm 26/11/2020 - 10:30
Sau khi có phản ánh của phóng viên và chỉ đạo của UBND T.X Phổ Yên, khu vực khai thác, vận chuyển đất trái phép gần Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới (tại xã Minh Đức) đã yên ắng trở lại (ảnh chụp chiều 23-11).
Sau khi có phản ánh của phóng viên và chỉ đạo của UBND T.X Phổ Yên, khu vực khai thác, vận chuyển đất trái phép gần Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới (tại xã Minh Đức) đã yên ắng trở lại (ảnh chụp chiều 23-11).

Tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép đã và đang diễn ra tại một số nơi (huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ…) như chúng tôi đã phản ánh. Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường, giao thông, làm biến đổi hiện trạng nhiều khu vực, thất thu ngân sách, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các chủ mỏ đất được cấp phép, tiềm ẩn mất an ninh trật tự và gây bức xúc trong nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan được các địa phương và ngành liên quan đưa ra, nhưng tựu trung lại có 2 nguyên nhân chủ yếu: Chính quyền cơ sở ở một số nơi thiếu quyết liệt, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; pháp luật, cơ chế quản lý trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập.

Cơ quan quản lý thấy rõ bất cập

Theo quy định của pháp luật, đất san lấp là một loại khoáng sản, chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trừ một số trường hợp, các tổ chức, cá nhân khi muốn khai thác đất san lấp đều phải được UBND cấp tỉnh cấp phép. Vì được coi là khoáng sản nên quy trình, thủ tục cấp phép mỏ đất cũng giống như các loại khoáng sản khác, mất nhiều thời gian và phải qua nhiều bước. Thời gian làm xong tất cả các thủ tục để bắt đầu khai thác một mỏ đất ít nhất phải cần trên 1 năm, đồng thời các tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác phải nộp nhiều loại thuế, phí nên giá thành đất hợp pháp cao. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, điều bất cập nữa là các doanh nghiệp (DN) dù đã trúng đấu giá và nộp tiền cấp quyền khai thác đất vẫn phải tự thỏa thuận với dân trên diện tích được cấp.

Do khó cạnh tranh về giá với đất lậu nên Mỏ đất Núi Choẹt (tại T.X Phổ Yên) hoạt động cầm chừng, có rất ít xe vào chở đất.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Ma Đình Hùng cũng cho biết: Ngành Xây dựng từ lâu đã thấy rõ một số bất cập trong quy định về việc cấp phép khai thác đất san lấp. Nhiệm vụ của Sở là xác định nhu cầu, chủ trì xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có đất san lấp. Giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2025, toàn tỉnh có 14 mỏ đất được đưa vào quy hoạch khai thác, Sở thường xuyên tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các mỏ đất cho phù hợp thực tế.

Về lý thuyết thì số lượng mỏ đất trong quy hoạch khai thác như vậy cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng mỏ đã được cấp phép khai thác hiện có gần 10 mỏ và phân bố không đều ở các địa phương. Có nơi như T.X Phổ Yên dù được quy hoạch 7 mỏ đất nhưng mới có 3 mỏ được cấp phép, trong đó duy nhất 1 mỏ đang khai thác. Rõ ràng, rất ít DN “mặn mà” với việc đầu tư vào mỏ đất, khiến nguồn cung cấp đất hợp pháp thiếu trầm trọng, tiếp tục là cơ hội cho “đất tặc” lộng hành.

Chủ mỏ “khóc ròng”

Chia sẻ với phóng viên Báo Thái Nguyên, tất cả các chủ DN đã được cấp phép mỏ đất dù đã khai thác hoặc chưa đều “ngao ngán” vì đất lậu. Có mỏ đã được cấp từ lâu nhưng chưa thể khai thác vì người dân đòi mức giá quá cao khi thỏa thuận khiến DN khó đáp ứng, hoặc chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác. Có mỏ khai thác cầm chừng hoặc chấp nhận “đắp chiếu” thời gian dài do không cạnh tranh nổi với đất lậu (như mỏ đất tại xã Tân Hòa, Phú Bình). Có DN xin cấp phép mỏ đất chỉ chủ yếu phục vụ cho dự án của họ, dù được phép nhưng không muốn bán ra ngoài cũng do không cạnh tranh nổi với “đất tặc” (trường hợp Công ty CP Bê tông xây dựng Việt Cường, chủ một mỏ đất tại huyện Phú Bình).

Ông Nguyễn Văn Vọng, đại diện Mỏ đất Núi Choẹt, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên), nói: Tháng 9-2017, chúng tôi được cấp phép khai thác Mỏ đất này (diện tích 9,1ha, trữ lượng 2 triệu m3 đất) sau khoảng 1,5 năm tích cực làm các thủ tục, đến nay một số thủ tục vẫn chưa hoàn thành. Tính ra, giá thành khai thác và xúc 1m3 đất lên xe tại Mỏ vào khoảng 30.000 đồng (chưa tính phí vận chuyển), chúng tôi lãi không đến 5.000 đồng/1m3 đất. Một số dự án lớn họ chỉ ký hợp đồng mua đất san lấp với 1 hoặc 2 đơn vị cung cấp hợp pháp và trà trộn đất lậu vào vì giá rất rẻ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước đơn giản hóa các thủ tục, giảm thuế, phí khai thác đất và nhất là ngăn chặn triệt để tình trạng đất lậu.

Một chủ DN (đề nghị giấu tên) đã được cấp phép khai thác mỏ đất tại T.X Phổ Yên đã khá lâu nhưng chưa khai thác, bày tỏ: Khi nào tình trạng “đất tặc” giảm thì chúng tôi mới dám khai thác, nếu không sẽ có thể bị lỗ hoặc lời lãi không đáng là bao…

Trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng thiếu đất san lấp hợp pháp, nạn “đất tặc” cũng diễn ra ở nhiều tỉnh khác. Nguyên nhân là do nhu cầu đất san lấp ngày càng lớn trong khi quy trình, thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất phức tạp, phải qua nhiều bước và mất nhiều thời gian nên ít DN tham gia. “Linh hoạt” để giải quyết tình trạng này, có tỉnh đã “phân cấp” cho huyện cấp phép khai thác ngắn hạn một số mỏ đất, rút ngắn thời gian cấp phép xuống chỉ còn vài chục ngày. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định như vậy là trái luật và đã chấn chỉnh. Tại Thái Nguyên, một số địa phương cũng đề nghị tỉnh và ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép mỏ đất nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường trả lời rõ: Không thể làm trái luật.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Cùng với việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về cấp mỏ đất trong phạm vi thẩm quyền (chỉ còn khoảng 1 nửa thời gian so với quy định của Bộ), chúng tôi cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh một số quy định đang bất cập hiện nay. Mục đích là nhằm thu hút nhiều DN đầu tư khai thác đất san lấp.

Tại sao quy định về cấp phép khai thác mỏ đất trong Luật Khoáng sản năm 2010 lại có bất cập như vậy? Ông Nguyễn Thế Giang cho rằng, có thể những quy định này không hoặc chưa hoàn toàn phù hợp với tỉnh miền núi như Thái Nguyên, nhưng cần thiết để quản lý trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quy định nào cũng cần phải điều chỉnh theo hướng ngày càng phù hợp hơn.
Vậy, giải pháp khả thi, trước mắt để ngăn chặn tình trạng “đất tặc” là gì? Đại diện các cấp, ngành liên quan đều chung ý kiến: Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên đất, kịp thời phái hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm, không để hình thành các “điểm nóng. Có thể nói, tại những nơi xảy ra tình trạng “đất tặc”, thậm chí rầm rộ trong thời gian dài như chúng tôi đã phản ánh mà chính quyền cấp xã “không biết”, “chưa biết”, cấp, ngành chức năng cần xem xét, chỉ rõ trách nhiệm. Làm rõ việc có hiện tượng cán bộ làm ngơ, bao che, tiếp tay cho sai phạm hay không? Chính quyền không thể chỉ “kêu khó” và nói nguyên nhân khách quan khi chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Theo quy định thì đối với các dự án xây dựng, các nhà thầu thi công, trong hồ sơ đấu thầu, hợp đồng nguyên tắc đều phải xác định rõ nguồn cung cấp đất hợp pháp. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng, nhất là ngành Thuế kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì sẽ hạn chế đất lậu tuồn vào công trình. Ngoài ra, việc ngăn chặn “đất tặc” còn có vai trò, trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường... Đồng thời, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân luôn quan trọng, để họ không vô tình tiếp tay cho những đầu nậu đất.

Trần Quyền – Dương Hưng