Cập nhật: Thứ năm 26/11/2020 - 10:48
Thầy Bàn Văn Khánh trong giờ dạy học trải nghiệm cho học sinh Trường Mầm non Tân Thịnh (Định Hóa).
Thầy Bàn Văn Khánh trong giờ dạy học trải nghiệm cho học sinh Trường Mầm non Tân Thịnh (Định Hóa).

Có nhiều con đường lựa chọn nghề nghiệp, nhưng khi một thầy giáo chọn con đường làm “mẹ hiền”, quả là một con đường can đảm. Xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy đã đem lại tình cảm cho trẻ thơ như những mẹ hiền cần mẫn gieo hạt giống tâm hồn.

Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, thầy giáo Bàn Văn Khánh cũng vượt gần chục cây số đường rừng để đến với lớp học mầm non của Trường Mầm non Tân Thịnh (Định Hóa). 29 tuổi, gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ vùng cao, thầy Khánh cũng là một trong số 16 thầy giáo trong toàn ngành Giáo dục gắn bó với công việc làm “cô” nuôi dạy trẻ.

Chúng tôi có mặt tại lớp 3 tuổi cũng là lúc thầy Khánh đang dạy cho các bé múa hát trong tiết học Âm nhạc. Nhìn những động tác thuần thục, mềm mại không thua kém giáo viên nữ, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu trẻ của chàng trai 29 tuổi dành cho các bé nơi đây.

Thầy Khánh tâm sự: “Cơ duyên tôi đến với nghề cũng bắt đầu từ tình thương mến trẻ vùng cao. Tôi hoạt động phong trào Đoàn ở xã nhiều năm và thường xuyên tiếp xúc với các em thiếu nhi, nên bén duyên từ đó. Khi quyết định chọn nghề giáo viên mầm non tôi đã phải vượt qua nhiều áp lực, cả khóa đó chỉ có một mình tôi là nam giới theo học mầm non... Nhưng tôi nghĩ, các bạn nữ học được, làm được, mình cũng cố học và tập luyện cho bằng để hoàn thành yêu cầu về chuyên môn.

Ra trường và nhận nhiệm vụ dạy học tại điểm trường vùng sâu, vùng xa của xã Tân Thịnh, lại đa số là con em các dân tộc Sán Chí, Dao... nên tôi gặp nhiều khó khăn. Không ít ý kiến của bà con ái ngại khi giao con mình cho thầy chăm sóc. Tôi đã phải đến từng nhà để làm quen, tạo sự thân thiện, tin tưởng của phụ huynh, tự học tiếng Sán Chí để tiện lợi trong giao tiếp... Hàng ngày, trẻ đến lớp gọi tôi là thầy, xưng con rất đỗi trìu mến, đáng yêu. Mỗi khi tan học do mưa bão, tôi lại dành thời gian chăm trẻ, đợi phụ huynh đến đón; muộn thì nấu ăn tạm cho trẻ ấm lòng. Rồi khi có trẻ ốm, tôi và các cô lại ẵm bế đưa đến Trạm Y tế thăm khám, dỗ dành các con ăn từng miếng cháo cho mau khỏe. Chính điều đó đã tạo niềm tin với phụ huynh và thêm gắn bó tình cảm yêu thương trẻ thơ trong tôi”.

Dạy trẻ vùng sâu, vùng xa là một trong những khó khăn với giáo viên, nhất là khi các em tập làm quen với tiếng Việt. Muốn vậy, giáo viên phải hiểu tiếng dân tộc của trẻ và kiên trì uốn nắn cho trẻ nói lưu loát tiếng Việt. Xuất phát từ suy nghĩ đó, thầy Khánh đã tự tìm các vật dụng tái chế thành đồ chơi và sắp xếp theo tiếng, âm... dần dần ghép theo vần và theo chủ đề. Mỗi tuần đến trường, chiếc xe máy của thầy lại lỉnh kỉnh chất đầy vật dụng, như thùng xốp, vỏ lon nước bằng kẽm, lốp xe ô tô cũ, đồ chơi, phẩm màu, keo dán, giấy vẽ... để cho học sinh thực hành, trải nghiệm và cùng làm dụng cụ hỗ trợ học tập. Chắt chiu, lượm lặt từng thứ đồ, rồi tái chế để tạo ra những đồ dùng học tập. Và trong số đó, có những sản phẩm sáng tạo theo chủ đề mà thầy Khánh mang đến Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh từ năm học 2015-2016.

Có thể khẳng định rằng, với những người thầy chọn nghề nuôi dạy trẻ, thì phải có một lòng yêu nghề, yêu con trẻ rất lớn lao, mới có thể giúp họ vượt qua bao nhiêu khó nhọc trên bước đường của mình. Thầy giáo trẻ Đào Văn Bằng mới công tác tại Trường Mầm non Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) 2 năm, nhưng đã nhanh chóng vượt qua nhưng áp lực ban đầu để vững tin vào nghề bởi sự hỗ trợ tích cực của các đồng nghiệp nữ. Thầy Bằng chia sẻ: “Nếu như so sánh thì sẽ có rất nhiều công việc cho thu nhập cao hơn, nhất là với nam giới. Đã nhiều lần tôi nghĩ đến việc phải thay đổi, nhưng có lẽ sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ em đã níu giữ tôi ở lại để chăm sóc các con. Tôi tự hào vì mặc định trở thành cha của trẻ mầm non nơi đây. Phụ huynh ban đầu có nhiều định kiến, những rồi công việc thay cha mẹ các con chăm sóc, giáo dục đã làm họ quý trọng, tin tưởng”.

Còn với thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Trường Mầm non Bảo Lý (Phú Bình) thì cho rằng: “Làm gì thì cũng phải có đam mê với nghề, mới có hứng thú và thành công. Mỗi thầy giáo phải nhuần nhuyễn “3 trong 1”, vừa là “mẹ hiền”, vừa là “cha”, vừa là người bạn của các bé thơ”.Tâm huyết, nhiệt tình với công việc đã giúp thầy Trường đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh năm 2019. Đáng quý, đáng trân trọng biết bao, tấm lòng của những thầy giáo làm người “mẹ hiền” như thế!

Trinh An