Cập nhật: Chủ nhật 29/11/2020 - 10:50
​Hiện nhiều cánh đồng được nông dân Thái Nguyên đưa vào sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao, như Bao thai, nếp Thấu Dầu; nếp cái Hoa Vàng…
​Hiện nhiều cánh đồng được nông dân Thái Nguyên đưa vào sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao, như Bao thai, nếp Thấu Dầu; nếp cái Hoa Vàng…

Bí quyết thành công của nhà sản xuất là chữ tín, là chiến lược sản xuất, kinh doanh. Nhưng điều cốt lõi làm nên thành công được bắt đầu từ chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Thương hiệu mạnh bởi nhờ sản phẩm có uy tín. Và tự nó lan tỏa, thân thiện với người tiêu dùng thông minh. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đã gây dựng được thương hiệu, thậm chí được vinh danh tại các cuộc thi mang tầm thế giới, nhưng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định, vì tiếng thì có mà miếng lại chưa ra tấm ra món.

“Hữu xạ tự nhiên hương” - Vùng đất Thái Nguyên có nhiều sản vật ngon nức tiếng, tự nó tỏa thơm, đi vào đời sống xã hội. Nhiều các sản phẩm nông nghiệp như: chè, bánh chưng Bờ đậu (Cổ Lũng,Phú Lương), miến dong Việt Cường (Hóa Thượng, Đồng Hỷ) và gạo Bao thai Định Hóa… đã gắn bó qua nhiều đời người. Và qua truyền tụng dân gian, lâu ngày thành lệ quen. Nhắc đến địa danh thì người ta nhắc đến đặc sản có ở vùng đất ấy. Hơn thế, hầu hết các sản phẩm được xây dựng, cấp thương hiệu nhưng chưa thực mang lại sự sung túc cho chủ nhân làm ra chúng.
 
Trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm sản phẩm được cơ quan chức năng Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ sở hữu. Gần đây nhất, trong thời gian từ năm 2016 đến hết tháng 10-2020, có 343 tổ chức, cá nhân được cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, sau khi được cơ quan chức năng Nhà nước cấp Văn bằng bảo hộ cho sản phẩm, các chủ sở hữu đều có ý thức bảo vệ, gìn giữ, phát triển thương hiệu thông qua các giao dịch kinh tế. Theo đó là sự tồn tại, phát triển liên tục của chủ sở hữu sản phẩm.
“Đinh Thương Phẩm”của Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình đoạt giải Đặc biệt tại Mỹ.
 
60 năm - người dân Bờ Đậu nhờ chiếc bánh chưng mà tạo dựng được cuộc sống ổn định, song chưa thực sung túc. Chiếc bánh tượng trưng cho “trời tròn đất vuông” được Nhà nước cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ 12 năm nay (tháng 4-2008). Nhưng từ bấy đến nay vẫn cơ bản dừng ở mức phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh, du di từ 1,3 đến 1,8 triệu chiếc bánh/năm và không thể tăng hơn được nữa. Chuyện thương hiệu cho sản phẩm, ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường, xóm Việt Cường cho biết: Năm 2013, Miến Việt Cường được Nhà nước cấp chứng nhận thương hiệu sản phẩm. Tiếng thơm của sản phẩm nhờ đó như được chắp thêm cánh, bay xa hơn. Hiện sản phẩm có bán tại một số siêu thị lớn như: BigC; Co.op; May 10; INTIMEX và được xuất khẩu sang thị trường ngoài nước như: EU; Thái Lan, Đài Loan, Lào… Tiếng thì đã có mà miếng lại chưa đảng kể gì. Bởi sợi miến truyền thống vẫn “gầy yếu”, khó cạnh tranh, người tiểu dùng số đông chưa mặn mà lựa chọn do mẫu mã sản phẩm chưa thực bắt mắt.
 
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Việc chăm lo cho cái "dạ dày" của người dân ngày nay không chỉ “ăn lấy no” như một thời đi xếp sổ đong gạo, mà người tiêu dùng đều biết chọn mua các sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngay như khi nhà có việc, chọn mua con gà đặt lên bàn thờ gia tiên, hoặc đãi đằng bạn đến chơi nhà cũng nghĩ đến việc mua gà ở đâu. Phú Bình tự hào về đặc sản gà đồi. Nhưng cái khó là ở “liền tường” với Thái Nguyên còn có gà đồi Bắc Giang, nên việc người tiêu dùng thỏa sức chọn lựa, cốt là ăn thấy ngon miệng. Nói như các bà nội trợ: Trẻ nhỏ ngày nay khôn mồm, gà không ngọt thịt là quay mặt đi chỗ khác. Còn như chủ các nhà hàng ẩm thực chia sẻ: Khách hàng là thượng đế, nếu bán gà không có thương hiệu thì chẳng ai người ta ăn hộ.
 
Theo bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Năm 2014, Gà đồi Phú Bình được Nhà nước cấp chứng nhận thương hiệu sản phẩm. Đây là một cơ hội tốt để các hộ chăn nuôi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn huyện có 23 trang trại chăn nuôi gà đồi theo chuẩn VietGAP, chủ yếu ở các xã Tân Kim, Tân Khánh, Bảo Lý…, tăng 13 trang trại so với năm 2017… Chúng tôi biết: Sản phảm gà đồi Phú Bình được xuất bán đến thị trường các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hải Phòng… với tổng sản lượng hơn 200 tấn/năm, nhưng vẫn cơ bản là bán sỉ lẻ, chưa tìm được bạn hàng lớn.
 
Chất lượng sản phẩm làm nên thương hiệu. Và thương hiệu giúp sản phẩm lan tỏa rộng lớn hơn trên thị trường. Tuy nhiên, giá thành cho sản phẩm được ổn định, không tăng đột biến, nhưng giúp cho sản phẩm của địa phương được tiêu thụ ổn định và có số lượng lớn hơn. Ví như sản phẩm gạo Bao thai Định Hóa, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể tháng 4-2007. Với tổng diện tích gieo cấy gần 3.000 ha, sản lượng đạt 18.000 tấn/năm. Về lý thuyết thì mỗi năm đặc sản này mang lại giá trị gần 200 tỷ đồng cho nông dân trong vùng. Nhưng thực tế có tới ¾ số lượng sản phẩm được người dân sử dụng tại chỗ, chỉ chừng ¼ trở thành hàng hóa. Tại siêu thị Minh Cầu, chợ Thái, chợ Đồng Quang và mộtt số điểm bán lương thực ở T.P Thái Nguyên đều có bày bán gạo Bao thai Định Hóa, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng mặn mà chọn mua.
 
Trong sản xuất, kinh doanh lành mạnh, các doanh nhân luôn coi trọng thương hiệu cho sản phẩm. Và để trở thành thương hiệu mạnh, chinh phục được thị trường trong nước và thế giới, các doanh nhân không ngừng sáng tạo, tự nghiên cứu, thực nghiệm để có thêm sản phẩm mới. Điển hình như Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình. Bà Lê Thu Hương, phụ trách bán hàng của Công ty cho biết: Hiện Công ty có gần 100 sản phẩm bày bán trên thị trường. Năm 2017, sản phẩm chè “Đinh Vương Phẩm” của Công ty gửi tham dự cuộc thi Chè đặc sản quốc tế Bắc Mỹ được Ban tổ chức trao giải Đặc bệt. Bà Đỗ Đức Lý, Giám đốc Công ty nói khiêm tốn: Công ty không có sự chuẩn bị cho cuộc thi, nên chỉ gửi một sản phẩm là “Đinh Vương Phẩm” được bày bán ở quầy hàng đi dự, và đoạt giải cao nhất. Hiện “Đinh Vương Phẩm” được bán với giá 3,5 triệu đồng/kg… Được biết trước đó, năm 2016, sản phẩm chè Tôm nõn của Công ty CP Chè Hà Thái, xóm 6, xã Hà Thượng (Đại Từ) được trao giải Bạc tại cuộc thi Chè quốc tế Bắc Mỹ.
 
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia các hội chợ, hội thi trong, ngoài tỉnh được Ban tổ chức trao giải Vàng, Bạc, Đồng… Song chủ nhân của sản phẩm vẫn giữ nguyên giá bán ban đầu với người tiêu dùng. Chỉ coi đó là cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm. Cũng nhờ thế, nhiều người tiêu dùng tìm đến các điểm bán hàng để được xem, được thấy hàng đẹp, chất lượng nhưng không phải ai cũng sẵn sáng bỏ tiền mua về dùng với nhiều lý do.
Phạm Ngọc Chuẩn