Cập nhật: Thứ hai 14/12/2020 - 11:22
Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng, chống bệnh bại liệt (ảnh mang tính chất minh họa).
Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng, chống bệnh bại liệt (ảnh mang tính chất minh họa).

Việt Nam đã chính thức công bố thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000. Tuy nhiên, trên thế giới, vi-rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành ở một số quốc gia, trong khi đó, sự giao lưu quốc tế gia tăng, nguy cơ lây truyền bại liệt vào Việt Nam là hiện hữu. Vì vậy, tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng; chủ động phòng ngừa bệnh hiện vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt trong 20 năm qua. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

P.V:Trước hết, ông có thể cho biết bệnh bại liệt cần được hiểu đúng như thế nào?

Ông Hoàng Anh: Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút polio gây nên. Vi-rút polio gồm 3 tuýp 1, 2 và 3. Vi-rút polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi-rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não. Bệnh được phát hiện qua hội chứng liệt mềm cấp. Người mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và gây tàn tật suốt đời. Nguồn truyền bệnh là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và cả những người lành mang vi-rút bại liệt Polio. Họ đào thải rất nhiều vi-rút bại liệt theo phân làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.

Vi-rút bại liệt lây truyền từ người sang người chủ yếu là qua đường phân - miệng. Vi-rút bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng. Không bao giờ lây nhiễm qua côn trùng trung gian. Từ năm 1955-1960, khi có vắc-xin bất hoạt và vắc-xin sống giảm độc lực thì tỷ lệ mắc và chết do bại liệt đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở các nước đang và kém phát triển bại liệt vẫn còn là thách thức lớn tới sức khoẻ loài người đặc biệt ở trẻ em. Tại Trung Cận Đông năm 1988 có 2.342 trường hợp; 1988 vẫn còn 225 ca bại liệt. Tại châu Phi năm 1988 có 4.564 ca mắc, đến 2002 vẫn còn 214 ca mắc. Tại châu Á, năm 2003, Ấn Độ ghi nhận có 1.600 ca bại liệt.

P.V:Vậy chúng ta cần làm gì để phòng, chống bệnh bại biệt, thưa ông?

Ông Hoàng Anh: Theo khuyến cáo của WHO, việc duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu. Ngoài biện pháp sử dụng vắc-xin để chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất thì công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng. Vì bệnh bại liệt do vi-rút Polio thâm nhập qua đường ruột nên tuyên truyền tập trung vào vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, các phương pháp giữ gìn vệ sinh bảo quản, chế biến trong ăn uống. Ăn uống theo các quy định trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

P.V: Chúng ta có những loại vắc-xin nào để phòng bại liệt, thưa ông?

Ông Hoàng Anh: Vắc-xin bại liệt hiện có 2 loại là vắc-xin bại liệt uống (OPV) và vắc-xin bại liệt tiêm (IPV). Vắc-xin bại liệt uống là vắc-xin sống giảm độc lực, chứa các vi-rút bại liệt đã được làm suy yếu, không còn khả năng gây bệnh, sử dụng theo đường uống. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng vắc-xin bại liệt 2 týp (bOPV) có chứa kháng nguyên bại liệt týp 1 và 3. Vắc-xin bại liệt tiêm là vắc-xin bất hoạt, chứa các vi-rút bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc-xin tiêm. Vắc-xin IPV có chứa cả 3 týp kháng nguyên bại liệt týp 1, 2 và 3. Cần phải nói thêm, Việt Nam đã bảo vệ thành quả của việc thanh toán bệnh bại liệt trong 20 năm qua, nhưng việc duy trì tỷ lệ uống vắc xin bại liệt ở mức cao cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi cần được uống đầy đủ 3 liều vắc xin bại liệt trên cả nước vẫn hết sức cần thiết bởi căn bệnh nguy hiểm này có nguy cơ quay trở lại bất cứ lúc nào.

P.V:Đến nay, công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng, chống bại liệt tại Thái Nguyên đã được triển khai như thế nào, thưa ông? 

Ông Hoàng Anh: Thực hiện Quyết định số 2126/QĐ-BYT ngày 21/5/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm bổ sung vắc-xin bại liệt (IPV) năm 2020-2021, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo thực hiện quyết định này. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm bổ sung vắc-xin bại liệt (IPV) năm 2020-2021 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Về nguồn lực thực hiện, kinh phí của Trung ương và các nguồn viện trợ cho Dự án tiêm chủng mở rộng bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu vắc-xin bại liệt (IPV), bơm kim tiêm và hộp an toàn cho hoạt động tiêm bù vắc-xin IPV nêu trên. Nguồn kinh phí địa phương sẽ bảo đảm cho các hoạt động tập huấn, điều tra, truyền thông, in ấn biểu mẫu, báo cáo, vận chuyển và bảo quản vắc-xin... Đến nay, công tác chuẩn bị trước tiêm chủng đang được các trung tâm y tế cấp huyện triển khai và phấn đấu hoàn tất việc tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm 2021.

P.V: Xin cảm ơn ông!

P.V
(Thực hiện)