Ông tốt nghiệp Khóa 20, Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1979, sau đó làm báo hơn 40 năm, với các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa Khóa XVII và XVIII (từ 2005-2015); Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên (2000-2008); Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình Thái Nguyên (2008-2015); Kiêm chức Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên (1995-2015). Từ 2015, Nhà báo Hữu Minh là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là thành viên Hội đồng sơ khảo, chung khảo Giải Báo chí Quốc gia từ 2006-2019.
Nhà báo Hữu Minh đã cho xuất bản: 40 năm qua các tác phẩm; Đi và viết ... và làm Tổng đạo diễn, đạo diễn, viết kịch bản, tham gia kịch bản: Phim tài liệu, ký sự: Bác Hồ ở chiến khu (2 tập); Hành trình theo Nhật kýVũ Xuân” (10 tập); Những nẻo đường Việt Bắc (100 tập); Đất và Người phương Nam (50 tập); Những địa danh mang dấu ấn thi ca (30 tập); Thái Nguyên trong dòng chảy 1000 năm Thăng Long (17 tập)…Kể chuyện Trường Sa (4 tập);10 ngày trên đất Mỹ (9 tập); Ký sự Sông Hằng - Ấn Độ (4 tập); Ở bên Tây Trường Sơn - Lào (4 tập); Đến với đất nước Chùa Tháp - Campuchia (6 tập)...
Tổ chức sản xuất, Tổng đạo diễn, tham gia kịch bản các phim truyện: Lửa thiêng Tràng Xá (4 tập); Dưới cờ phục quốc (4 tập): Tể tướng Lưu Nhân Chú (5 tập)…
Ông đã được Giải C, Giải báo chí Quốc gia năm 2007 cho loạt bài viết về cuốn Nhật ký Vũ Xuân; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho phim tài liệu “Nô en mầu lửa” (2012) và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba; Huân chương Lao động Hạng Nhì.
“Dấu chân vạn dặm” (Nxb. Dân trí, 2020) là tập phóng sự - Ghi chép đồ sộ nhất của Nhà báo Hữu Minh.
NHỮNG “DẤU CHÂN VẠN DẶM” CỦA NHÀ BÁO HỮU MINH
Tôi được làm việc với Nhà báo Hữu Minh (tên thật là Phan Hữu Minh) ngay từ khi tôi vào làm phóng viên của Báo Bắc Thái. Khi ấy anh đã là Trưởng phòng Phóng viên của báo; đã có nhiều phóng sự, truyện ngắn khá ấn tượng đăng trên báo Bắc Thái và các báo Trung ương. Các tác phẩm này anh đã tập hợp in thành tập “Đi và viết” và một cuốn sách, tôi không nhớ tên. Tiếc rằng, các cuốn sách của anh đã xuất bản, không có một số tác phẩm đặc sắc, chẳng hạn như truyện ngắn “Cái thớt nghiến” và sách không được phát hành rộng rãi.
Là phóng viên dưới quyền quản lý trực tiếp của anh, tôi đã được anh tận tình giúp đỡ về nghiệp vụ báo chí và đặc biệt, được tham gia cùng anh làm sách, làm phim tài liệu. Thời ấy, chúng tôi đã biên soạn rất nhiều sách kỷ yếu, sách lịch sử truyền thống và làm phim tài liệu cho các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh Bắc Thái. Những bộ phim tư liệu mà anh Hữu Minh thực hiện từ khi làm ở Báo Bắc Thái là những bước khởi đầu tích lũy kinh nghiệm để khi làm Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên và sau đó là Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, anh đã chủ trì sản xuất và trực tiếp viết kịch bản, làm đạo diễn, viết lời bình những bộ phim tài liệu, phim kí sự, phim truyện đồ sộ, được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam; Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, TNTV của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên ...Trong đó, bộ phim “Hành trình theo Nhật ký của Liệt sĩ Vũ Xuân”, gồm 10 tập, do Báo Thái Nguyên sản xuất năm 2006, phát sóng 8 lần trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam là tráng ca mang đậm chất sử thi về người con của Thái Nguyên.
Sản xuất phim là lĩnh vực hoạt động khá nổi bật và nhiều thành công của anh nhưng trong cuốn sách này chỉ giới thiệu lời bình một số bộ phim do anh thực hiện.
...Trong 40 năm làm báo chuyên nghiệp, Nhà báo Hữu Minh có hơn 20 năm làm công tác quản lý. Trong đó, 8 năm làm Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên; 7 năm làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên và hiện nay anh là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam. Là người đứng đầu cơ quan báo chí, công việc quản lý chiếm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, dù bận đến đâu, chúng tôi vẫn thấy anh chơi cầu lông, giao lưu với bạn bè. Nhưng công việc quản lý cơ quan báo chí, hàng ngày, ngoài điều hành mọi hoạt động của cơ quan, anh còn đặc biệt quan tâm tới nội dung mặt báo, tới chương trình phát sóng. Có lúc, đi công tác, anh vẫn đọc duyệt nội dung maket báo; kiểm duyệt chương trình phát sóng truyền hình. Những công việc này đã khiến cho anh luôn căng thẳng, cảm xúc chai lỳ, khó mà tìm khoảng lặng để suy ngẫm, để viết. Dù vậy, như tôi đã biết, với anh, ngoài những bài viết do các báo đặt bài, công việc viết lách của anh là nhu cầu tự thân; cốt để để giải tỏa thông tin, kiến thức và cảm xúc mà anh đã thu lượm từ cuộc sống sau mỗi chuyến đi. Tôi đã từng đi tác nghiệp và đi...chơi với anh. Đi đến đâu anh cũng niềm nở hỏi han nhân vật, tìm hiểu sự việc... Những tưởng, anh hỏi thăm xã giao, nhưng mấy hôm sau đã thấy bài của anh đăng trên báo...
Từng làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam và nhiều năm làm công tác quản lý, Nhà báo Hữu Minh đã đi tới mọi miền đất nước và tới nhiều nước trên thế giới. Như đã nêu trên, đi đến đâu anh cũng quan sát, hỏi han, ghi chép. Và, sau những “Bước chân vạn dặm” ấy là những bài viết nóng hổi của của anh với nhiều thể loại, đăng trên các báo lớn như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Nhà báo & Công luận... và các địa phương như Thái Nguyên, Bắc Kạn...
Có lần, khi đọc phóng sự của anh trên báo, tôi gọi điện, đề nghị anh tập hợp các bài báo để in thành sách. Anh bảo, toàn bài viết mang tính thời sự, khô khan, in thành... ngại quá! Mặc khác, bản thảo của anh không được lưu giữ, phân tán đâu đó, khó tập hợp, tuyển chọn. Tôi thuyết phục, những tác phẩm báo chí của anh, ngoài những phóng sự mang giá trị nhân văn còn rất nhiều bài báo mang giá trị lịch sử và là nguồn tư liệu quý giá. Anh nên “gom” lại, trước hết là để lưu giữ những sản phẩm báo chí mà cả đời anh cống hiến; để tri ân với bạn bè, người thân; tri ân với những người, những vùng đất đã cho anh thông tin và nguồn cảm hứng để viết; sau nữa là để lưu lại dấu ấn sau mỗi “Bước chân vạn dặm” và cũng có thể, đây là tài liệu quý để cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử, về văn hóa, về đất và người nơi anh đã đến.
Nhất trí với đề xuất của tôi, anh dành thời gian để tập hợp bản thảo lấy tên là “Dấu chân vạn dặm”. Dù đã cố gắng sưu tầm nhưng bài viết của anh còn thất lạc rất nhiều - đặc biệt là những bài anh viết từ thời làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và Báo Bắc Thái - chưa đưa vào cuốn sách này. Cuối những bài viết, anh không ghi chú về thời gian, nơi đăng tải. Anh bảo, quan trọng là mỗi phần trong tập sách đều có dấu ấn của thời cuộc qua tư duy, cảm nhận và phương pháp tiếp cận, lí giải vấn đề của tác giả.
Tập sách có 3 phần: Phần 1: Có tên là QUÊ HƯƠNG TA. Nội dung phần này chủ yếu viết về ATK Việt Bắc (An toàn khu) trong cuộc Kháng chiến chống Thực dân Pháp khi anh làm Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập báo Đảng địa phương.
Phần 2: Có tên là DẤU CHÂN VẠN DĂM, gồm những bút ký, ghi chép từ những chuyến đi.
Phần 3: Có tên NƠI NGỌN BÚT NGHE CUỘC ĐỜI THÔI THÚC, gồm những bài viết, những nghiên cứu về nhà báo, nghề báo, anh viết trong thời gian làm việc ở Hội Nhà báo Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!