Xóm Đội Cấn hiện có 81 hộ với 320 nhân khẩu. Trong đó, kinh tế của khoảng 90% hộ dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất lúa và cây chè. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm xóm Đội Cấn những con đường bê tông sạch đẹp, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang. Nhà văn hóa xóm cũng được xây dựng khang trang. Cùng với chị Trần Thị Thúy, cộng tác viên dân số xóm Đội Cấn chúng tôi đi tìm hiểu câu hỏi: Vì đâu mà các cặp vợ chồng trong xóm lại nhất quyết "dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”? Câu trả lời được chị Thúy đưa ra rất đơn giản, tóm gọn trong hai từ “nhận thức”.
Để có được kết quả 20 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, đó là một hành trình dài, bắt đầu từ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền. Chị Thúy cho biết: Thời gian đầu, quá trình tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng chỉ sinh hai con gặp không ít khó khăn. Bởi những suy nghĩ như “đông con nhiều phúc”, “phải có con trai để nối dõi” đã ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều đôi vợ chồng, nhất là những cặp sinh con một bề là con gái. Chúng tôi phải kiên trì vận động bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi thì ở nhà, lúc trên nương chè hoặc đi làm đồng, qua các buổi họp xóm, chúng tôi không chỉ tuyên truyền cho chị em phụ nữ mà còn truyền đạt đến chồng của họ, người cao tuổi trong gia đình, để họ thay đổi tư tưởng, không đặt nặng vấn đề phải có con trai nối dõi. Xóm cũng thường xuyên mời các gia đình sinh con một bề là con gái có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc đến các buổi họp xóm để chia sẻ câu chuyện, quan điểm của họ.
Cùng với đó, giai đoạn trước, cán bộ dân số xóm Đội Cấn thường xuyên tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai. Xóm còn đưa tiêu chí dân số - kế hoạch hóa gia đình vào việc bình xét gia đình văn hóa... “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con thay đổi nhận thức, không còn nặng nề vấn đề sinh con trai hay gái nữa. Nhờ vậy, 20 năm nay, xóm Đội Cấn không có hộ nào ính con thứ ba trở lên.
Nhờ thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, các cặp vợ chồng đã có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành. Đơn cử như vợ chồng chị Lê Thị Hằng và anh Đỗ Văn Bình, có hai cô con gái, một cháu đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm và có việc làm ổn định, một cháu đang học tại Học viện Tài chính Hà Nội. Chị Hằng chia sẻ: Khoảng 10 năm trở lại đây, dù kinh tế đã ổn định hơn những chúng tôi không có ý định sinh thêm con. Thay vào đó, gia đình tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng tôi tập trung chăm lo con cái học hành đầy đủ và cảm thấy hạnh phúc vì có hai con gái đều đã trưởng thành.
Còn đối với vợ chồng chị Dương Thị Lan và anh Đỗ Văn Nghĩa, việc có con trai không quan trọng bằng hai cô con gái đều chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với bố mẹ. Chị Dương Thị Lan bộc bạch: Bố mẹ hai bên đều giục vợ chồng tôi sinh thêm con trai cho “đủ nếp đủ tẻ”. Nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau rằng con nào cũng quý, quan trọng nhất là nuôi dạy con ngoan, khỏe, học giỏi, đó là động lực phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc.
Qua chia sẻ của các cặp vợ chồng, có thể thấy, ở xóm Đội Cấn, phát triển kinh tế, nuôi con trưởng thành là mục tiêu lớn nhất của các hộ dân chứ không phải chuyện có đủ nếp, đủ tẻ, có con trai nối dõi tông đường. Việc thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân trong xóm. Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng xóm phấn khởi: Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xóm đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Xóm không còn hộ nghèo, hộ thu nhập khá giả chiếm trên 10%. Liên tục nhiều năm liền Đội Cấn đạt danh hiệu xóm văn hóa, xóm không có tệ nạn xã hội; mỗi năm xóm có từ 5-6 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.