Hội LHPN huyện Đại Từ hiện có 32 cơ sở hội, 453 chi hội với gần 35.700 hội viên. Những năm gần đây, các cấp hội trên địa bàn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp góp phần giúp các hội viên phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội. Do vậy, Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động chị em tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, hàng năm các cấp hội đều tiến hành rà soát số lượng phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để triển khai các biện pháp hỗ trợ.
Hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ là một trong những giải pháp được các cấp hội trên địa bàn huyện triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đó, nhiều hội viên đã liên kết với nhau để hình thành các tổ hợp tác, HTX hay các CLB, nhóm sở thích về trồng trọt, chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Nội, Chủ tịch Hội LHPN xã Ký Phú cho biết: Hội đã đứng ra tín chấp giúp chị em vay vốn ngân hàng, gây quỹ tiết kiệm cho hội viên nghèo vay vốn; các hội viên giúp đỡ nhau bằng ngày công lao động, con giống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất… Hầu hết diện tích lúa kém hiệu quả của chị em, nay đã chuyển sang trồng tập trung mía tím, cà chua, ớt… mang lại thu nhập cao. Hai CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi ở xóm Đặn 1 và xóm Đặn 3 do Hội thành lập đã phát triển lên 40 thành viên; mô hình trồng chè an toàn của phụ nữ xóm Duyên có 16 thành viên. Ngoài ra, để tiêu thụ nông sản cho bà con, Hội đã thành lập điểm bán hàng an toàn tại trung tâm xã…
Cùng với Hội LHPN xã Ký Phú, tại các cơ sở hội khác, nhiều mô hình kinh tế cũng đã được thành lập. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 58 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế điển hình, tập trung tại các xã: La Bằng, Quân Chu, Bản Ngoại, Tiên Hội… Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống hội viên. Đồng thời, chủ động phối hợp với cấp, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên. Trong năm 2020, các cấp hội đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện tư vấn, giới thiệu, đào tạo nghề cho gần 1.300 lao động nữ; tổ chức 11 lớp sơ cấp đào tạo nghề may công nghiệp, chăn nuôi thú y, nấu ăn cho trên 330 hội viên tại các xã. Các phong trào: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” tiếp tục được triển khai thực hiện, giúp chị em giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Trung bình mỗi năm có khoảng 30 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ thoát nghèo. Riêng năm 2020, có trên 60 hộ hội viên thoát nghèo.
Mô hình trồng mía tím của CLB Phụ nữ làm kinh tế giỏi ở xóm Đặn 1, xã Ký Phú (Đại Từ) thu hút 20 hội viên tham gia, cho thu nhập ổn định.
Bà Nguyễn Thị Dung, ở xóm Trại 4, xã Bình Thuận cho biết: Gia đình tôi có hơn 3 sào trồng màu, trong đó 2 sào là trồng trong nhà lưới. Trước kia, tôi chủ yếu trồng bằng kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. Tham gia vào các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội LHPN tổ chức, tôi đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, toàn bộ quy trình sản xuất đều tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với hơn 20 hội viên khác, chúng tôi liên kết thành Tổ hợp tác rau an toàn Bình Thuận. Trung bình mỗi ngày, Tổ hợp tác cung ứng ra thị trường khoảng 7 tạ rau các loại...
Cùng với việc trang bị kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, Hội còn giúp các hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều kênh, như: Phát động phong trào “Phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững’’, tiếp tục thực hiện kế hoạch vận động ủng hộ “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo”, vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT, Quỹ TYM, Quỹ vì phụ nữ nghèo, Quỹ hội với tổng số tiền gần 620 triệu đồng cho trên 12.000 hội viên vay để đầu tư phát triển kinh tế.
Bà Trương Thị Kim Thanh cho biết: Nhằm hỗ trợ tối đa cho phụ nữ, Hội sẽ chủ động phối hợp với chính quyền, các đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế điểm, đặc biệt là tăng cường giúp đỡ các hội viên ở các xã khó khăn. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần gia tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hội viên phụ nữ…