Sản xuất, chế biến chè ở Đại Từ: Giải pháp phát triển bền vững
Cập nhật: Thứ sáu 08/01/2021 - 08:10
Những năm gần đây, huyện Đại Từ luôn quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè theo hướng bền vững. Trong ảnh: Người dân xã Hoàng Nông thu hái chè. Ảnh: T.V.H
Những năm gần đây, huyện Đại Từ luôn quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè theo hướng bền vững. Trong ảnh: Người dân xã Hoàng Nông thu hái chè. Ảnh: T.V.H

Với huyện Đại Từ, chè là cây trồng mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, huyện luôn quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè theo hướng bền vững với nhiều giải pháp cụ thể được triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này. Từ đó góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân địa phương.

Về xã Phú Lạc (Đại Từ) những ngày này, ở xóm nào chúng tôi cũng thấy những nương chè đang trổ búp xanh mơn mởn. Người trồng chè ở đây cho biết, trước kia, bà con thường thu hái khoảng 6 lứa/năm, nhưng từ khi huyện triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ hệ thống tưới thâm canh chè vụ đông, nhiều diện tích đã cho thu hái 7-8 lứa/năm. Ngoài ưu điểm có hương vị đậm đà, thơm ngon, chè vụ đông được tiêu thụ dịp cận Tết còn mang lại giá bán cao gấp 2-3 lần chè chính vụ nên đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Ông Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho hay: Xã hiện có 400ha chè, năng suất bình quân đạt 110 tạ/ha. Những năm qua, địa phương đã được hỗ trợ hệ thống tưới cho trên 40ha chè. Cụ thể, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng/ha đối với các diện tích xây dựng hệ thống tưới chè đơn giản và 30 triệu đồng/ha đối với diện tích xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm ứng dụng công nghệ cao. Đây là đòn bẩy giúp bà con mạnh dạn đầu tư trong sản xuất chè. Theo đó, người dân trong xã đã tự đầu tư hệ thống tưới được khoảng 60ha.

Hệ thống tưới nước tiết kiệm cho chè đã được nhiều hộ dân ở huyện Đại Từ lắp đặt, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là trong vụ đông. Trong ảnh: Một nương chè ở xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: T.H

Cùng với xã Phú Lạc, những năm qua, huyện đã thực hiện hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới chè tiết kiệm cho các xã, thị trấn còn lại để mở rộng diện tích sản xuất chè vụ đông. Trong 4 năm (2016-2020), huyện đã hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới chè cho trên 550ha. Riêng năm 2020, huyện đã hỗ trợ kinh phí 1,5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích 100ha với hơn 700 hộ dân được thụ hưởng. Nhờ vậy, diện tích chè đông của huyện ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2020, diện tích sản xuất chè vụ đông trên địa bàn đạt 1.500ha, chiếm 18,7% tổng diện tích chè của huyện. Từ đây, một số vùng trọng điểm sản xuất chè đông đã được hình thành như: La Bằng, Hoàng Nông, Phú Cường, Phú Lạc, Phục Linh…

Bên cạnh đó, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống, đồng thời, thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Năm 2020, huyện đã thực hiện trồng mới, trồng thay thế gần 220ha chè (vượt 22% so với kế hoạch năm) bằng các giống có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, Long Vân,… Cũng trong năm qua, huyện đã hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho 200ha chè cho gần 800 hộ dân với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha.

Đến nay, tổng diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP là 990ha, tăng 260ha so với năm 2019 và chiếm 15,4% tổng diện tích chè của huyện; diện tích chè theo hướng hữu cơ là 120ha. Năm 2020, huyện hỗ trợ 200ha chè VietGAP cho 22 tổ hợp tác, HTX với gần 800 hộ. Song song với đó, huyện còn chú trọng đến công tác khuyến nông và đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực trong sản xuất, chế biến chè. Ngoài ra, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 32 lớp tập huấn với 1.600 lượt người tham gia. Nội dung tập huấn chủ yếu về kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phương pháp chế biến chè xanh, chè đen… Để nâng cao hiệu quả chế biến sản phẩm, từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ được 21 tôn sao chè bằng ga cho 21 HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh, doanh doanh chè với tổng số tiền hỗ trợ là 21 tỷ đồng.

Với mục tiêu từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè, công tác hỗ trợ xây dựng, phát triển làng nghề, HTX sản xuất, chế biến trên địa bàn huyện được quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 31 HTX và 56 tổ hợp tác cùng 50 làng nghề trồng và chế biến chè. Song hành cùng các hoạt động xúc tiến thương mại, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) hướng dẫn các HTX đăng ký mã số doanh nghiệp, mã vạch, tham gia website chè tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trà Thái Nguyên… Qua đó giúp các doanh nghiệp, HTX thuận lợi hơn trong việc quảng bá sản phẩm chè Đại Từ ra thị trường.

Thông qua những hỗ trợ thiết thực, hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, năng suất, sản lượng chè tăng lên rõ rệt. Tổng diện tích chè trên địa bàn huyện hiện đạt trên 6.400ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 70.700 tấn. Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất chè theo hướng bền vững, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, chế biến chè. Song song với đó, huyện cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và tìm những giải pháp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân. Phấn đấu đến hết năm 2021, diện tích chè toàn huyện đạt 6.440ha, sản lượng đạt 72.700 tấn, tăng diện tích chè an toàn thêm 160ha…

Thu Huyền