Những ngày đầu xuân, chúng tôi trở lại xã Minh Lập. Đi trên những con đường bê tông kiên cố chạy dài đến từng ngõ xóm và thỏa mắt nhìn các nương chè xanh mướt đang đâm chồi, nảy lộc. Phóng tầm mắt bao quát xung quanh, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng quê này. Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Minh Lập từ chỗ chỉ có 7/19 tiêu chí đạt (năm 2011) thì đến tháng 8-2015, xã đã đạt chuẩn NTM. Về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra và là xã đầu tiên của huyện Đồng Hỷ đạt chuẩn NTM. Giờ đây, Minh Lập đã chuyển mình thay đổi không chỉ bởi những khu sản xuất, chăn nuôi tập trung, những ngôi nhà khang trang giữa làng quê mà còn là hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản. Với mỗi người dân của vùng đất chè Trại Cài nổi danh này, NTM đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong cuộc sống, từ cái ăn, cái mặc đến sự hưởng thụ văn hóa tinh thần.
Để hiểu rõ hơn cách làm của Minh Lập, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Quốc Lập, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Lập - người đứng đầu và đi đầu trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương. Ông Lập nhớ lại: Năm 2011, xã Minh Lập bắt tay vào xây dựng NTM. Do xuất phát điểm thấp nên giai đoạn đầu xã gặp không ít khó khăn khi nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về NTM còn chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; tập quán canh tác, sản xuất của người dân lạc hậu, đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Cũng tại thời điểm đó, hầu hết các công trình phục vụ sản xuất, đời sống của người dân địa phương chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất. Đây thực sự là bài toán khó cho cấp ủy, chính quyền của xã, bởi 12 tiêu chí còn thiếu đòi hỏi nguồn lực tương đối lớn để thực hiện. Từ thực tế của xã thời điểm đó, việc xuất hiện tâm lý e ngại là điều khó tránh khỏi.
Nhận thức sâu sắc xây dựng NTM là “Của dân, do dân, vì dân”, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy khi đó, ông Lập xác định nhiệm vụ đầu tiên là cần khơi dậy sức dân cùng chung tay xây dựng NTM. Theo ông, bước đầu tiên là cần hiểu dân, nắm dân, nói cho dân tin, làm cho người dân hiểu và ủng hộ. Vì vậy, ông Lập lựa chọn “dân vận khéo” là công cụ hữu hiệu để Đảng ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của xã tuyên truyền, vận động làm đổi thay nhận thức, cách nghĩ của nhân dân. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, ông Lập cũng với các thành viên trong Ban Chấp hành Đảng ủy xã Minh Lập phân công nhau xuống tận xóm, vào tận hộ gia đình để giải thích cho người dân hiểu ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của xây dựng xây dựng NTM và những nội dung, cách làm, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đảng ủy xã còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức đoàn thể như: Hội Cựu Chiến binh; Hội Nông dân; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Đoàn Thanh niên… thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất; hội viên giúp nhau làm kinh tế; vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, giữ gìn nhà sạch, ngõ đẹp; thắp sáng đường quê…
Ông Lập còn chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong xã phải là những người đi đầu trong hiến đất, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các nội dung của tiêu chí xây dựng NTM. Ngoài ra, xã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, lắng nghe, nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để có hướng giải quyết kịp thời. Từ chỗ được sự ủng hộ của người dân, những con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu dần thành hình. Trong xóm, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, người dân mạnh dạn tham gia các đề án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi do xã xây dựng... Bức tranh NTM ở Minh Lập ngày càng trở nên sáng rõ.
Sau khi hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, xã Minh Lập lại tiếp tục đoàn kết một lòng tiên phong trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Dẫn chúng tôi đi trên con đường NTM kiểu mẫu rộng rãi, ông Nguyễn Quốc Lập không giấu nổi niềm tự hào:Để xây dựng tuyến đường có tổng chiều dài 6 km, rộng đến 10m này cần giải phóng một diện tích đất rất lớn. Điều đáng nói, trước năm 2015 khi xây dựng tuyến đường này, nhân dân hai bên đường cũng đã hiến đất và các tài sản trên đất. Những ngày vận động mở đường, tôi cũng với các cán bộ xã “bám” nhà dân, đến nói chuyện với từng hộ, lắng nghe tâm tư, ý kiến của họ, kiên trì giải thích cho từng thành viên trong các gia đình đến khi nào đạt được đồng thuận mới thôi. Nhờ vậy, một lần nữa, 400 hộ dâncủa xã đã phá dỡ trên 2.000m tường rào, trụ cổng xây kiên cố và hiến trên 20.000m2 đất để mở đường.
Thêm một ví dụ khác về sự thành công trong thực hiện dân vận khéo ở Minh Lập là trong giai đoạn 2016-2020, xã Minh Lập còn đón nhận Dự án Nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình (thành đường tỉnh 273). Thực hiện Dự án này, xã Minh Lập có 187 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 103 hộ có tài sản trên đất. Tổng diện tích đất thu hồi là 19.000m2. Ông Lập lại cùng với cán bộ xã, xóm tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trong vùng dự án đi qua đã đồng thuận hiến đất, tài sản trên đất để thực hiện dự án. Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020, toàn xã đã có 600 hộ gia đình, cá nhân hiến trên 4ha đất và nhiều công trình phụ trợ, đóng góp hơn 4.000 ngày công, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đã đóng góp chung sức xây dựng NTM với tổng số tiền khoảng 27 tỷ đồng.
Những con số biết nói ấy đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận ở xã Minh Lập, trong đó không thể không kể đến vai trò của ông Nguyễn Quốc Lập. Với những đóng góp của mình, ông Lập đã được Ban Dân vận Trung ương khen thưởng là một trong những điển hình dân vận khéo toàn quốc.