Cập nhật: Thứ năm 14/01/2021 - 08:35
Người dân mua thịt lợn tại chợ Gia Sàng (T.P Thái Nguyên )
Người dân mua thịt lợn tại chợ Gia Sàng (T.P Thái Nguyên )

Sau một thời gian “hạ nhiệt”, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thịt lợn đã tiếp tục tăng trở lại. Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên trên địa bàn tỉnh đang dao động ở mức từ 80-83 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 12-2020. Việc giá thịt lợn liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn T.P Thái Nguyên, như: Chợ Thái, Đồng Quang, Túc Duyên, Gia Sàng… những ngày gần đây, mặc dù thịt lợn không hề khan hiếm nhưng giá bán lại tăng “chóng mặt”. Nếu như cách đây 1 tháng, giá thịt lợn ba chỉ tại chợ là 120.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 140.000 đồng/kg; giá thịt lợn mông, vai cũng tăng từ 100.00 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ thấp hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm giá thịt lợn tăng cao nhất trong lịch sử vào cuối tháng 5-2019.

Giá thịt lợn tăng mạnh chỉ trong một thời gian ngắn khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Lan, tổ 10, phường Phan Đình Phùng cho biết: Thời điểm trước, gia đình tôi có 4 người, chỉ cần mua 50.000 đồng tiền thịt lợn là đủ cho một bữa ăn, nhưng nay, phải mua 70.000 đồng mới đủ. Giá thịt lợn tăng khiến việc chi tiêu hằng ngày của gia đình cũng tăng theo. Với những người có thu nhập thấp như công nhân chúng tôi, không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Theo quy luật hàng năm, gần Tết Nguyên đán, giá thịt lợn sẽ còn tiếp tục tăng. Trong khi ngày Tết, hầu hết các món ăn đều chế biến từ thịt lợn...

Giá thịt lợn tăng không chỉ khiến người tiêu dùng lo lắng mà các tiểu thương buôn bán, kinh doanh thịt lợn cũng gặp không ít khó khăn do mức tiêu thụ giảm đi rõ rệt. Bà Dương Thị Minh, tiểu thương tại chợ Gia Sàng cho biết: Giá thịt lợn hơi liên tục tăng gần 20.000 đồng/kg, từ 64.000 đồng/kg lên 83.000 đồng/kg chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng buộc chúng tôi phải tăng giá bán. Vì thịt lợn đắt nên người dân đã hạn chế sử dụng và thay thế bằng các thực phẩm khác như thịt gà, trứng, cá…. Trước đây, mỗi ngày, tôi bán hết hơn 100kg thịt, thì nay chỉ bán được khoảng 60kg.

Giá thịt lợn tăng kéo theo các mặt hàng được chế biến từ thịt lợn, như: giò, chả, mọc, xúc xích, ruốc... cũng tăng theo, từ 30.000- 50.000 đồng/1kg so với trước. Điều này, khiến không chỉ người tiêu dùng mà cả những người kinh doanh, buôn bán các sản phẩm từ thịt lợn cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Anh Quân, chủ một cửa hàng ăn uống tại tổ 4, phường Đồng Quang chia sẻ: Giá thịt lợn tăng nên tôi phải tính toán chi ly hơn. Một bát bún mọc giá 25.000 đồng, trước đây được 6 viên mọc, nay giảm xuống còn 4 viên. Các suất cơm sử dụng thịt lợn cũng phải tăng giá bán hoặc giảm bớt lượng thịt lợn so với trước...

Lý giải về nguyên nhân thịt lợn tăng giá trở lại, hầu hết các tiểu thương đều cho rằng, thời gian gần đây, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam, chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch khiến cho nguồn cung thịt lợn khan hiếm. Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, hiện nguồn cung lợn trên địa bàn tỉnh khá dồi dào. Theo thống kê, thời điểm này, tổng đàn lợn toàn tỉnh có trên 620 nghìn con, bằng 95% so với thời điểm chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Cũng theo đại diện cơ quan này, sở dĩ giá lợn tăng cao là do thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ và chế biến thực phẩm tăng đột biến. Tuy nhiên, với tổng đàn lợn hiện nay của tỉnh, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, không lo thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Theo phản ánh của người dân, gần đây, đã xuất hiện tình trạng một số thương lái, hộ chăn nuôi lợi dụng thời cơ để “găm hàng” và cùng nhau đẩy giá thịt lợn lên cao. Trước thực trạng đó, thiết nghĩ, lực lượng quản lý thị trường cần tích cực vào cuộc để kiểm soát chất lượng, giá cả, tránh tình trạng “găm hàng - đẩy giá”, “tát nước theo mưa” và lợi dụng sự khan hiếm của thịt lợn - một mặt hàng thực phẩm thiết yếu để tăng giá các mặt hàng khác, ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng.

Nguyên Ngọc