Có tăng nhưng không đột biến
Tìm hiểu tại các siêu thị lớn như Aloha Mart, Lan Chi Mart, Thành Đô, Minh Cầu... chúng tôi được biết, các đơn vị đã bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng Tết từ giữa tháng 11-2020. Vì thế, thời điểm này, hàng Tết cơ bản đã được bày bán khá nhiều và đa dạng. Về số lượng thì năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các siêu thị nhận định sức mua của người dân sẽ không tăng đột biến, thậm chí có phần dè dặt hơn. Vì thế, các doanh nghiệp, siêu thị cũng chuẩn bị nguồn hàng với số lượng vừa phải thay vì tăng cao như trước đây.
Ông Dương Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Aloha Thái Nguyên chia sẻ: Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị được khoảng 80% các mặt hàng kẹo, bánh, rượu, bia... phục vụ người dân mua sắm dịp Tết. Năm nay, nhận định thị trường tiêu thụ của người dân không quá cao nên Công ty cũng chuẩn bị nguồn hàng chỉ tăng thêm 10% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các mặt hàng như nước ngọt có gas, đồ gia dụng, trang trí nhà cửa..., chúng tôi giảm từ 10-20% so với trước.
Tương tự tại Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu, chị Trần Thị Hương, Thủ kho Công ty cho hay: Mặc dù Công ty mới mở thêm chi nhánh siêu thị Minh Cầu tại Gang thép nhưng lượng hàng Tết dự trữ năm nay cũng chỉ tăng thêm từ 10-30% so với cùng kỳ. Cụ thể đối với nước giải khát, đồ uống lạnh thì chỉ tăng 10%, còn bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp tăng 30%. Theo bà Hương đây là mức tăng ổn định trong vòng 4 năm trở lại đây. Bởi sức mua dịp Tết năm nay dự báo sẽ không biến động, nhất là sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hơn nữa, thị trường bán lẻ ngày càng nhiều nên sẽ không lo thiếu hàng.
Bà Đỗ Thị Ngọc Lan, người dân ở tổ 11, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi thấy năm nay các mặt hàng Tết khá đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Bởi ngoài các sản phẩm quen thuộc có xuất xứ nội địa như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Hải Hà thì các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được bày bán khá phong phú, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Hồng Tiến, T.X Phổ Yên cho hay: Thời điểm này, gia đình tôi đã rục rịch mua hàng Tết để làm quà biếu người thân, bạn bè. Những ngày qua đi tìm hiểu tại các siêu thị trên địa bàn, chúng tôi thấy hàng Tết được đóng gói rất đẹp. Đặc biệt, mức giá các sản phẩm không biến động nhiều so với trước đó, ngoài ra các sản phẩm đều có tem, nhãn, hạn sử dụng rõ ràng giúp người mua yên tâm khi lựa chọn.
Tương tự như các siêu thị, Hợp tác xã Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng (huyện Định Hóa) cũng đã chuẩn bị nguồn hàng khá dồi dào cung cấp cho người tiêu dùng. Bà Ma Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã cho hay:Để đảm bảo lượng hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2021, ngay từ đầu tháng 10, chúng tôi đã chuẩn bị thêm sản phẩm gạo và mỳ gạo Bao Thai. Theo đó, dịp Tết năm nay, Hợp tác xã sẽ bán ra thị trường 20 tấn mỳ gạo và 4 tấn gạo (tăng 50% so với các tháng thông thường). Tính đến nay, Hợp tác xã đã sản xuất được 50% lượng sản phẩm phục vụ cho dịp Tết.
Khác với các doanh nghiệp, siêu thị thì không khí chuẩn bị nguồn hàng Tết tại các hộ kinh doanh, tiểu thương ở các chợ truyền thống lại khá trầm lắng. Bà Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương bán hàng tại chợ Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Mọi năm, tôi đặt mua trước măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, gạo và đỗ xanh, với khoảng 400 triệu đồng tiền hàng để bán vào dịp Tết. Nhưng năm nay do sức mua kém nên hàng bán hết đến đâu tôimớinhập bán đến đó.
Đảm bảo bình ổn giá
Để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ tiêu dùng cho người dân vào dịp Tết, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 150/KH -UBND, ngày 7/12/2020 về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh, thương mại sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện Tết 2020 và dự báo mức tiêu dùng của nhân dân để chủ động chuẩn bị các mặt hàng tăng từ 10-20% so với các tháng trong năm. Cũng theo kế hoạch, tỷ lệ dự trữ đối với một số sản phẩm thiết yếu tăng nhưng không cao so với nhu cầu tiêu thụ hằng ngày, ví như gạo tẻ (tăng 5%); bánh, kẹo (tăng 30%); dầu ăn (tăng 30%); thực phẩm gồm thịt lợn, gà (tăng 5%)...
Đánh giá về việc chuẩn bị hàng Tết và bình ổn giá, theo ông Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Công Thương): Hiện nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã và đang lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã tham gia đăng ký bình ổn giá với cam kết không bán giá cao hơn so với thị trường. Vì thế, người tiêu dùng hoàn toàn trên địa bàn tỉnh khôngcầnlo lắng về thiếu hàng hóa và tăng giá đột biến trước, trong và sau Tết.