Theo định nghĩa của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) về kỳ thị thì đây là một quá trình làm giảm giá trị của một cá nhân hay một nhóm người dưới mắt của những người khác. Trong một nền văn hóa hoặc một bối cảnh cụ thể, một số đặc tính nhất định bị coi là lệch khỏi chuẩn mực chung, do đó đáng xấu hổ hoặc đáng bị coi thường.
Kỳ thị có thể dẫn tới phân biệt đối xử khi nó thể hiện thành hành động và đó có thể là bất kỳ một hành vi phân tách, loại bỏ hay hạn chế những cá nhân bị kỳ thị. Như vậy, kỳ thị là một quá trình liên tục và thể hiện ở các dạng, hình thức khác nhau, từ quan điểm đánh giá, thái độ cho đến hành vi, hành động.
Riêng sự kỳ thị liên quan HIV/AIDS được mô tả như một “quá trình mất giá” của những người sống chung hoặc có quan hệ với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Sự kỳ thị này thường có nguồn gốc từ việc liên hệ HIV/AIDS với những tệ nạn xã hội và thường đổ lỗi cho cá nhân người bệnh như: quan hệ tình dục bừa bãi, mại dâm hoặc tiêm chích ma túy… Đi sau kỳ thị là việc đối xử không công bằng với người bị nghi hoặc bị nhiễm HIV, do suy nghĩ sai lầm rằng HIV/AIDS là bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc thông thường và là mối đe dọa cho cộng đồng.
Theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS, tại Điều 2, Điểm 4: Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV. Tại Điều 2, Điểm 5: Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV, hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuy vậy ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Từ đó, gây ra những hậu quả đối với người nhiễm HIV như mất đi thu nhập cho bản thân, mất đi quyền cưới hỏi và sinh con, không được chăm sóc tốt từ các cơ sở y tế, mất hy vọng và luôn cảm thấy vô dụng, mất uy tín...
Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhưng phổ biến là những nguyên nhân sau đây: Do bản chất của bệnh; do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS; do một thời gian dài việc truyền thông không đầy đủ hoặc không phù hợp: truyền thông quá nhấn mạnh chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV. Thường hù dọa tạo ra cảnh hãi hùng. Chính việc tuyên truyền như vậy đã khiến mọi người sợ hãi, xa lánh và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Cần bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV
Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung mới đây được Quốc hội chính thức thông qua, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đồng thời, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, nâng cao hiệu quả, nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Vấn đề tiếp cận thông tin, bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV là nội dung được sửa đổi trong bộ luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, đây là nội dung rất cần thiết nhằm bảo đảm hành lang pháp lý trong cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế.
Bởi quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện tại, chỉ những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV mới được biết thông tin về người nhiễm HIV, tuy nhiên trong thực tế một bệnh nhân trong cơ sở y tế có nhiều người tham gia gián tiếp vào quá trình điều trị cho người nhiễm HIV, như các nhân viên hành chính trong tiếp nhận, thanh quyết toán viện phí, nhân viên tổng hợp hồ sơ bệnh án trong cấp phát thuốc, trưởng khoa phòng bệnh viện, bác sĩ trực…
Ngoài ra, nếu bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả, thì quy trình của thanh toán bảo hiểm y tế có bước chuyển thông tin bệnh nhân lên cổng thanh toán điện tử của bảo hiểm y tế, nhân viên bảo hiểm y tế có thể giám định tính trung thực trên hồ sơ bệnh án của người bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế.
Việc thực hiện được chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV theo đúng quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ có cách là thiết lập 1 hệ thống riêng để điều trị HIV/AIDS, điều này trên thực tế là không khả thi, khi số người nhiễm HIV điều trị HIV/AIDS càng ngày càng nhiều (hiện 150.000 người).
Do đó, việc bổ sung một số người trong cơ sở y tế được phép biết thông tin người nhiễm HIV trong quá trình khám điều trị và thanh toán bảo hiểm y tế là cần thiết để phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.
Đối với cơ sở y tế, giúp tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong triển khai chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, giám sát và kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS. Đối với các tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng, giúp cho họ có thông tin người nhiễm HIV để xác định đối tượng, địa bàn để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin cho những người nhiễm HIV/AIDS phải được đặt lên hàng đầu, như vậy nhiều người bệnh mới yên tâm tiếp cận điều trị, không sợ bị lộ thông tin.
Thời gian qua, việc ngành Y tế tăng cường các chương trình và chiến dịch truyền thông để nhấn mạnh đến quyền của người nhiễm HIV là một cách chứng minh xóa bỏ sự kỳ thị. Cùng với việc nhận thức được các quyền của mình, những người nhiễm HIV có thể được trao quyền để hành động nếu những quyền này bị vi phạm. Ngoài ra, việc tăng cường phổ biến các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc một cách mạnh mẽ trong cộng đồng giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với việc xét nghiệm. Việc loại bỏ các rào cản đối với các dịch vụ này là chìa khóa để chấm dứt đại dịch HIV toàn cầu.