Với trên 1.200 người lao động (NLĐ) và đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, những ngày qua, Công ty TNHH Shinsung C&T Vina ở KCN Điềm Thụy (Phú Bình) đã tái khởi động các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho NLĐ. Chị Trần Minh Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Hiện nay, 100% NLĐ đến làm việc đều phải kiểm tra đo thân nhiệt, đeo khẩu trang đúng quy định. Công ty cũng bố trí dung dịch sát khuẩn rửa tay tại các cửa ra vào, cầu thang; đặt tấm vách ngăn giữa mỗi bàn ăn trong nhà ăn ca để bảo đảm phòng, chống dịch cho NLĐ. Thời gian qua, Công ty cũng rà soát 5 trường hợp NLĐ trở về từ vùng dịch và tạo điều kiện cho những NLĐ này được cách ly tại nhà. Đến nay, 4/5 NLĐ hoàn thành thời gian cách ly (14 ngày) và trở lại làm việc bình thường.
Là một trong số đó, anh Lưu Tuấn Anh, nhân viên văn phòng của Công ty chia sẻ: Trong điểm tỉnh Hải Dương bùng phát dịch, tôi có di chuyển đến và tiếp xúc với nhiều người lạ. Vì thế, khi quay trở lại làm việc Công ty đã đề nghị thực hiện cách ly tại nhà, khai báo y tế và theo dõi diễn biến sức khỏe theo quy định. Đến nay, sau 14 ngày sức khỏe của tôi vẫn bình thường và đã được trở lại làm việc.
Tương tự, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (T.X Phổ Yên) là nơi có hàng nghìn NLĐ làm việc, vì thế, đơn vị cũng siết chặt các quy định về phòng chống dịch. Cụ thể, Công ty đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch đến NLĐ qua tin nhắn điện thoại, trang thông tin nội bộ; yêu cầu 100% NLĐ khai báo y tế hai lần/tuần vào ngày cuối tuần và giữa tuần. Đặc biệt, để dự phòng nguy cơ lây nhiễm, Công ty đã tạo điều kiện cho NLĐ đi về từ vùng dịch sớm hơn 10 ngày so với quy định của Bộ Y tế tự thực hiện cách ly tại nhà và được hỗ trợ lương trong thời gian cách ly.
Không đông NLĐ như Công ty TNHH Shinsung C&T Vina và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên nhưng Công ty TNHH KHVatec Hanoi ở KCN Điềm Thụy (30 NLĐ) lại là đơn vị duy nhất trong tỉnh hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, tôi cao tần trục cam cho các hãng xe máy Yamaha, Honda... Vì thế, công tác tăng cường phòng, chống dịch có ý nghĩa quan trọng giúp đơn vị duy trì ổn định hoạt động sản xuất. Theo đó, Công ty cũng triển khai nhiều giải pháp như: yêu cầu NLĐ thực hiện đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, bố trí khoảng cách tối thiểu 2m /người tại các khu vực làm việc; chia ba ca ăn thay vì một ca để hạn chế tập trung đông người như trước. Đặc biệt, đối với những NLĐ trở về từ vùng dịch thì Công ty bố trí vị trí ăn riêng.
Tìm hiểu thêm tại một số DN trong nước đóng chân tại KCN Sông Công như Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành; Công ty May TNG Sông Công, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công, Công ty Phụ tùng máy số 1... chúng tôi nhận thấy, các đơn vị cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch. Nhờ đó, các đơn vị vẫn bảo đảm duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Hoàng Hải, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh đánh giá: Hiện nay, Ban đang quản lý 241 DN tại 6 khu công nghiệp, trong đó 122 DN nước ngoài và gần 100 nghìn NLĐ, trong đó có 567 NLĐ nước ngoài. Về nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, ngay sau nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban đã thành lập đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19; ban hành văn bản đề nghị các DN kích hoạt phương án phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, yêu cầu thực hiện 5K (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cùng với đó, Ban phối hợp với DN, chính quyền tăng cường truy vết các trường hợp liên quan đến ca nhiễm COVID-19.
Tính đến chiều 2-2, trong KCN có 32 NLĐ của Công ty Thép Trường Sơn tiếp xúc F2 với ca FO của Nhà máy Z153 Đông Anh (T.P Hà Nội). Hiện, toàn bộ Công ty Thép Trường Sơn đã được phun thuốc khử trùng phòng chống dịch và 32 trường hợp F2 đã được cách ly theo quy định. Đến nay, tại KCN chưa có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Thời gian tới, Ban sẽ củng cố đội phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19; đôn đốc các DN tiếp tục rà soát, cập nhật các trường hợp đi về từ vùng dịch, tiếp xúc F2, F3 để thực hiện cách ly kịp thời; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ nhập cảnh cho NLĐ vào làm việc tại DN...