Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tiềm năng và thách thức
Cập nhật: Thứ sáu 26/02/2021 - 15:10
Kiểm tra sản phẩm phụ tùng xe Honda tại Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công. Ảnh: Hoàng Hưng
Kiểm tra sản phẩm phụ tùng xe Honda tại Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công. Ảnh: Hoàng Hưng

Thái Nguyên là một trung tâm công nghiệp lớn với giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 4 cả nước. Thời gian qua, nhiều dự án lớn cả trong và ngoài nước đã được đầu tư vào tỉnh. Trong định hướng phát triển của tỉnh, sản xuất công nghiệp luôn có vị trí rất quan trọng, là “đầu tàu” tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tuy nhiên, riêng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, còn nhiều thách thức ở phía trước.

Theo cách hiểu thông thường, CNHT là các nhóm ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. CNHT có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm phát triển và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế nói chung, ngành Công nghiệp nói riêng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động… Vì thế, Trung ương và tỉnh luôn rất quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích CNHT phát triển, như: Chính phủ có Nghị định số 111/2015 về phát triển CNHT, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển CNHT đến năm 2025, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT; tỉnh đang triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2025, Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2020-2025…

Từ vai trò là một trong những “chiếc nôi” của công nghiệp nặng cả nước, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh những năm gần đây có sự phát triển mang tính đột phá. Riêng về CNHT, Thái Nguyên cũng sớm được coi là một trung tâm cơ khí chế tạo với những công ty, nhà máy sản xuất khá lớn, như: Cơ khí Phổ Yên, Diesel Sông Công, Phụ tùng máy số I… Để thích ứng với cơ chế thị trường và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất hỗ trợ cho những tập đoàn lớn, các doanh nghiệp (DN) này đã tích cực đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa công nghệ. Ví dụ như Công ty CP Phụ tùng máy số I mỗi năm đầu tư vào dây chuyền công nghệ hàng chục tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí Phổ Yên cũng tập trung đầu tư để sản xuất hàng xuất khẩu, được đối tác Nhật Bản cho mượn dây chuyền sản xuất hiện đại. Ngoài những “cánh chim đầu đàn” đó, số DN CNHT trong nhóm ngành cơ khí chế tạo tại tỉnh tăng khá nhanh (hiện có 265 DN, tăng 39 DN so với năm 2016, tổng giá trị sản xuất năm 2020 khoảng 9.000 tỷ đồng), tuy nhiên hầu hết có quy mô nhỏ, dây chuyền thiết bị lạc hậu.

  Xưởng Cơ khí của Nhà máy Z131 (đứng chân trên địa bàn T.X Phổ Yên) được đầu tư nhiều máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm có độ chính xác cao. Ảnh: T.Q

CNHT nhóm ngành điện tử trên địa bàn tỉnh mới hình thành và phát triển khá nhanh từ khi Tập đoàn Samsung xây dựng cơ sở sản xuất lớn tại Khu công nghiệp Yên Bình vào năm 2013. Theo thống kê, Samsung Thái Nguyên đã thu hút 150 dự án sản xuất hỗ trợ vừa và nhỏ vào tỉnh. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là đại đa số các DN phụ trợ cho Samsung đều là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN nội địa vẫn gần như đứng ngoài cuộc (trừ một số rất ít là đơn vị cung ứng gián tiếp bằng các sản phẩm phụ trợ đơn giản). Mặc dù có số lượng DN phụ trợ rất lớn ngay tại tỉnh nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa - đáp ứng linh phụ kiện cho Samsung Thái Nguyên chưa đạt tới 10%. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển CNHT nhóm ngành điện tử trên địa bàn còn rất lớn.

Đối với ngành Dệt may, mặc dù tỉnh có số lượng và quy mô DN dệt may khá lớn (37 DN sử dụng trên 20.000 lao động) nhưng CNHT cho nhóm ngành này chưa đáng kể. Doanh thu sản xuất CNHT dệt may của tỉnh năm 2019 mới đạt 350 tỷ đồng, chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu của nhóm ngành Dệt may. Vì thế, các DN may trên địa bàn phần lớn vẫn nhận gia công cho các đối tác lớn ở nước ngoài nên tạo giá trị gia tăng không lớn, nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc lớn vào nhập khẩu…

Nhìn tổng thể “bức tranh” CNHT trên địa bàn tỉnh như trên có thể thấy, mặc dù có khởi sắc đáng kể, nhất là nhóm ngành điện tử, nhưng rõ ràng CNHT chưa phát huy tốt tiềm năng và những cơ hội hiện có. Điều đó thể hiện ở hai khía cạnh, một là tỷ lệ nội địa hóa (chưa nói đến “nội tỉnh hóa”), nhất là của Samsung Thái Nguyên và các DN may còn rất thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; hai là số DN địa phương tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung và các nhà lắp ráp lớn hiện vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề chính là năng lực, trình độ sản xuất của các DN địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của đối tác, bởi theo lý thuyết kinh tế, không nhà sản xuất nào muốn phải phụ thuộc vào việc chuyên chở từ xa, nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng khi có nguồn cung cấp gần đó.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, tiềm năng phát triển và dư địa tăng trưởng của CNHT trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Trước hết, đó là cơ hội cho các DN địa phương, DN nội địa. Để thúc đẩy CNHT nói chung, tạo điều kiện cho DN nội địa nói riêng tham gia vào các chuỗi sản xuất lớn, các cơ quan chuyên môn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN thông qua hoạt động kết nối cung - cầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tiếp cận các nguồn vốn… Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường cạnh tranh sòng phẳng, điều quyết định sự tồn tại và phát triển của DN là chính bản thân DN, đòi hỏi luôn phải linh hoạt nắm bắt thời cơ, có chiến lược đầu tư, sản xuất - kinh doanh phù hợp.

Trần Quyền