Thanh tra Chính phủ đang tích cực đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương về thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức theo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhất là người có chức vụ, quyền hạn và người chuẩn bị ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tới đây.
Cổng TTĐT Chính phủ phỏng vấn ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ xung quanh vấn đề được nhiều người quan tâm trước hạn chót kê khai tài sản và công khai tài sản của ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND lần này.
Trước 31/3/2021 phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu
Xin ông cho biết công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật PCTN năm 2018 đã và đang được triển khai như thế nào?
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Để triển khai thực hiện các quy định của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết những nội dung được Luật giao, đồng thời nghiên cứu, xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thanh tra Chính phủ cũng đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Công nghệ thông tin.
Sau khi có Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động, khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức việc kê khai tài sản thu nhập lần đầu, đồng thời tổ chức công khai bản kê khai và nộp bản kê khai tài sản, thu nhập cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định. Bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận Bản kê khai của một số cán bộ giữ chức vụ giám đốc sở của một số địa phương.
Thanh tra Chính phủ cũng đã tham mưu và Tổng Thanh tra Chính phủ đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia về việc sử dụng mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác bầu cử. Và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có Nghị quyết số 41 ngày 18/1/2021 hướng dẫn cụ thể về hồ sơ ứng cử và mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập dùng cho hồ sơ ứng cử.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện còn chưa đồng đều, một số nơi khi tổ chức thực hiện còn gặp vướng mắc. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và mới đây có Văn bản số 252/TTCP-C.IV ngày 19/2/2021 đôn đốc, hướng dẫn công tác này, trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu xong trước ngày 31/3/2021; bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xong trước ngày 30/4/2021 và báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Thanh tra Chính phủ chậm nhất là ngày 31/5/2021.
Việc hướng dẫn, đôn đốc của Thanh tra Chính phủ đối với các Bộ, ngành, địa phương đến nay ra sao để bảo đảm đúng tiến độ là việc kê khai lần đầu hoàn thành xong trước ngày 31/3/2021, thưa ông?
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Để bảo đảm việc thực hiện hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 2265/KH-TTCP ngày 25/12/2020 trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt, hướng dẫn các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập và Nghị định 130/2020/NĐ-CP; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện.
Theo Kế hoạch, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập và Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Đặc biệt là để khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các biện pháp thi hành quy định của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đây là đợt đầu triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập theo luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ nhưng công tác này cũng đã được triển khai từ nhiều năm trước theo quy định của Luật PCTN năm 2005. Do đó đồng thời với việc tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc thì Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức kiểm tra đối với một số bộ, ngành, địa phương để đánh giá nơi nào làm tốt, nơi làm chưa tốt và thúc đẩy việc thực hiện.
Giải pháp nào để hạn chế tính hình thức trong kê khai tài sản?
Thưa ông, chúng ta cần có những giải pháp nào để hạn chế tính hình thức và kiểm soát thực chất được tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với những người có chức vụ, người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tới đây?
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Trước đây, việc kê khai tài sản được đánh giá là còn hình thức và chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chính vì vậy, nhiều giải pháp mới đã được thể chế hóa trong Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Để hạn chế tính hình thức và kiểm soát thực chất được tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tới đây thì nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trọng tâm là các nội dung sau:
Một là, phải rà soát, lập danh sách đầy đủ những người có nghĩa vụ kê khai để tránh bỏ lọt đối tượng phải kê khai lần đầu; tổ chức kê khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đặc biệt là khâu rà soát nội dung bản kê khai để bảo đảm kê khai đúng mẫu, đúng hướng dẫn. Các trường hợp kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ phải kiên quyết yêu cầu kê khai lại.
Hai là, phải tổ chức việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định và lựa chọn hình thức niêm yết hay công bố tại cuộc họp sao cho phù hợp nhất với tính chất tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để bảo đảm Bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai rộng rãi, rõ ràng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo đúng quy định. Đối với người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thì phải công khai theo đúng quy định của pháp luật bầu cử. Việc công khai bản kê khai sẽ góp phần quan trọng để phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như cung cấp thông tin giúp cử tri xem xét, quyết định lựa chọn người xứng đáng để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Ba là, phải tổ chức tốt việc kiểm tra, xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc kiểm tra xác minh khi có tố cáo hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền và kiểm tra, xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm. Trong quá trình tổ chức công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp thì rất có thể sẽ xuất hiện yêu cầu kiểm tra xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử. Khi đó việc kiểm tra, xác minh vừa phải tiến hành khẩn trương nhưng vừa phải bảo đảm chất lượng, chặt chẽ, khách quan. Việc xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm cũng rất cần phải đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên để bất cứ người nào thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đều có cơ hội được xác minh về tài sản, thu nhập, qua đó thúc đẩy việc chấp hành nghiêm các quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập với cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên, công chức trong kiểm soát tài sản, thu nhập để bảo đảm cho việc quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập, theo dõi biến động tài sản, thu nhập, kiểm tra, xác minh và xử lý khi có vi phạm.
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ, TS. Hoàng Minh Hội (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Hàng năm, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được tiến hành ở các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục.
Những năm gần đây, việc thực hiện chi trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và người có chức vụ, quyền hạn nói riêng đã được thực hiện qua tài khoản ngân hàng. Nhờ có các biện pháp tuyên truyền thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kê khai tài sản, thu nhập, ý thức của những người trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập được nâng cao. Công tác kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch của hệ thống công vụ.
Theo ông Hội, cần thực hiện nghiêm một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về PCTN trong Luật PCTN năm 2018; xây dựng kiện toàn các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc kê khai tài sản của người có chức vụ quyền hạn theo Luật PCTN năm 2018; xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp không kê khai, chậm hoặc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; thúc đẩy các biện pháp không dùng tiền mặt; nhanh chóng cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức nói chung và những người có chức vụ, quyền hạn nói riêng; thực hiện việc công khai bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn tại nơi cư trú; có cơ chế để tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, hiệu quả và bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập có dấu hiệu không trung thực của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nguyên tắc công khai tài sản, thu nhập tại thời điểm ứng cử, bầu cử hoặc trước khi được bổ nhiệm đối với những người có chức vụ, quyền hạn.