Có mặt tại nhiều điểm mỏ và nhà máy chế biến sâu khoáng sản của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang trong những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc hăng say. Từng người lao động và các đơn vị cùng ra sức thi đua, nỗ lực đạt và vượt kế hoạch được giao.
Mỏ sắt Tương Lai (thuộc địa phận xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ) là một trong những điểm mỏ và cơ sở chế biến quặng sắt lớn nhất của HTX tại tỉnh Thái Nguyên, được cấp phép khai thác từ năm 2009. Ngay từ mùng 4 Tết Tân Sửu, hơn 50 lao động và các xe, máy, dây chuyền sàng tuyển quặng của Mỏ đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm. Ông Nguyễn Viết Hiệp, đại diện Mỏ cho biết: Sau thời gian tạm dừng khoảng 3 năm, đầu năm 2020, Mỏ trở lại hoạt động và được đầu tư thêm nhiều xe, máy, dây chuyền hiện đại nhằm nâng công suất và chất lượng sản phẩm. Chúng tôi phấn đấu đạt sản lượng quặng 30.000 tấn/tháng để cung cấp cho đối tác theo hợp đồng đã ký. Ngoài Mỏ sắt Tương Lai, tại Thái Nguyên, từ năm 2020, HTX cũng tái khởi động một số điểm mỏ khác như: Mỏ sắt - mangan Phú Tiến, Mỏ sắt Cù Vân, Mỏ quặng kim loại mầu tại xã Văn Lăng…
Cũng ngay từ sáng mùng 4 Tết, tiếng động cơ các xe tải chuyên dụng, tiếng máy xúc, máy nghiền, sàng tuyển quặng đã rộn vang trên không gian rộng lớn thuộc Mỏ mangan Phúc Sơn (xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Mỏ được cấp phép khai thác cho HTX từ năm 2006 với diện tích 148ha. Giám đốc Mỏ - ông Lê Phong Nhã, một kỹ sư địa chất kỳ cựu, phấn khởi chia sẻ: Đã gắn bó với Mỏ từ lâu, tôi rất mừng khi đơn vị trở lại hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 35 lao động địa phương. Chất lượng quặng mangan ở đây khá cao, trữ lượng còn lại có thể đảm bảo cho khai thác liên tục trên 10 năm nữa. Những ngày đầu năm, thời tiết thuận lợi nên chúng tôi tập trung nguồn lực đẩy mạnh khai thác.
Cách đó vài cây số là Mỏ mangan Nà Lum, thuộc xã Minh Quang cùng huyện Chiêm Hóa, được cấp phép khai thác từ năm 2006. Mỏ cũng tổ chức “khai Xuân” từ mùng 4 Tết, huy động gần 20 xe, máy và trên 70 lao động đồng loạt ra quân. Anh Ma Quang Đạt, công nhân làm việc tại Mỏ được 6 tháng, nói: Tôi cũng như phần lớn anh chị em công nhân ở đây đều là người địa phương, trước đây chỉ biết làm ruộng nên thu nhập thấp. Công việc tại Mỏ không quá nặng nhọc mà thu nhập lại khá hơn, chúng tôi yên tâm gắn bó với đơn vị.
Toàn bộ quặng của 2 điểm mỏ này được cung cấp cho Nhà máy Fero mangan Chiêm Hóa, cũng là một đơn vị thành viên của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, đặt tại Cụm công nghiệp Phúc Thịnh (huyện Chiêm Hóa). Khác với các mỏ, Nhà máy không nghỉ Tết mà chia làm ba ca duy trì sản xuất, liên tục cho ra lò những mẻ sản phẩm mới. Chủ động được đầu vào, chất lượng quặng khá cao, mặt bằng sản xuất đảm bảo, tập thể người lao động gắn bó, làm việc trách nhiệm là những yếu tố quan trọng nhất giúp Nhà máy luôn hoạt động tốt từ khi tái khởi động đến nay.
Một điều dễ nhận thấy tại HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công là tập thể người lao động luôn vững tin vào sự khởi sắc, phát triển của HTX. Trong số họ có nhiều người đã gắn bó với HTX hàng chục năm, kể cả ở giai đoạn đợn vị gặp khó khăn, thậm chí phải tạm dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất. Anh Lâm Ngọc Ánh, một công nhân ở Mỏ sắt Tương Lai bày tỏ: Việc thăng trầm của một doanh nghiệp là chuyện bình thường, chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với HTX. Hiện tại, tôi rất tin tưởng vào hướng đi và triển vọng phát triển của đơn vị…
Hiện tổng số lao động của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công hiện khoảng 500 người, trong đó có nhiều chuyên gia nước ngoài, người lao động có tay nghề, kinh nghiệm tốt đã gắn bó với HTX nhiều năm. Những khó khăn về tài chính đang từng bước được tháo gỡ, đầu ra sản phẩm tốt và đội ngũ nhân sự đảm bảo là những yếu tố giúp tập thể đơn vị vững tin vào sự phát triển ở chặng đường phía trước.