P.V: Trước hết, xin ông cho biết chương trình tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 tại nước ta sẽ được triển khai như thế nào?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Chương trình tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 được triển khai tới các nhóm đối tượng ưu tiên (sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam).Cụ thể, các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm phòng là: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vắc-xin hiện nay, trong giai đoạn 2021-2022 nước ta đề ra mục tiêu bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 khi có đủ nguồn vắc-xin; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vắc-xin phòng COVID-19; Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch; Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.
P.V: Ông có thể thông tin về các loại vắc-xin mà nước ta sẽ sử dụng để tiêm phòng COVID-19?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam chỉ ưu tiên sử dụng vắc-xin đáp ứng tiêu chí: Tính an toàn và hiệu lực bảo vệ cao (được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu); điều kiện bảo quản từ 2-8°C. Do vậy, nước ta chỉ chọn mua các vắc-xin an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá phù hợp. Theo đó, hiện tại, Việt Nam đang sử dụng vắc-xin AstraZeneca (Hàn Quốc sản xuất), là một trong 2 loại vắc-xin được WHO cấp phép sử dụng toàn cầu trong tình huống khẩn cấp. Vắc-xin này đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia, với hiệu lực bảo vệ sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%.
P.V: Xin ông thông tin về kế hoạch tiêm phòng vắc-xin COVID-19 của Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do Covax Facility (Giải pháp tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19 toàn cầu) hỗ trợ. Cuối tháng 2 vừa qua, 117.600 liều vắc-xin AstraZeneca (do Hàn Quốc sản xuất) đã về Việt Nam. Theo đó, từ sáng 8-3, Việt Nam bắt đầu những mũi tiêm đầu tiên. Do số lượng vắc-xin lần đầu hạn chế, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho 9 nhóm đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21 của Chính phủ, ưu tiên đầu tiên cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế ưu tiên tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở có điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc do đây là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, sau đó là nhóm tham gia phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu…
Do nguồn vắc-xin có hạn nên lần này, Bộ Y tế không thể phân bổ vắc-xin cho toàn bộ 63 địa phương, chỉ có thể phân bổ một phần cho 13 tỉnh có dịch, ưu tiên cao nhất cho Hải Dương - nơi có số ca mắc COVID-19 lớn nhất nước.
P.V: Việc triển khai tiêm phòng tại Thái Nguyên sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Hiện nay, Cục Y tế dự phòng đã hướng dẫn việc triển khai Kế hoạch tiêm chủng cho các tỉnh, thành phố. Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh sẽ tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng, số lượng đối tượng tiêm chủng trên địa bàn và thông báo cho Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng vắc-xin.
Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế, Sở y tế chủ trì xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin COVID-19 tại địa phương và chỉ đạo việc lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm nguy cơ trong vòng 7 ngày sau khi Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vắc-xin COVID-19.
Cũng theo hướng dẫn này, hình thức tiêm chủng được tổ chức theo chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng có sẵn, trường hợp cần thiết, Sở Y tế sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia.
Quá trình tiêm, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến tổ chức sáng 6-3 với các tỉnh, thành phố, trong năm nay, Việt Nam dự kiến sẽ có hơn 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 được tiêm cho người dân. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Và đây cũng là thời điểm người dân Thái Nguyên có thể tiếp cận được với vắc-xin phòng COVID-19…
P.V: Xin cảm ơn ông!