Sáng nay 15/3, tại Trường Đại học Y Hà Nội, chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC phòng COVID-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất đã chính thức triển khai tiêm vaccine cho người tình nguyện tham gia.
Trong hôm nay, có 6 người/120 tình nguyện viên của giai đoạn 1 được tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC. Các tình nguyện viên tiêm vaccine này ở độ tuổi từ 18-59 tuổi.
Các tình nguyện viên sẽ được tiêm vaccine, với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg và 1 nhóm vaccine mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).
Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Nữ tình nguyện viên 26 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ, là 1 trong số ít người được tiêm đầu tiên nên cô gái này khá hồi hộp. Nữ tình nguyện viên cho hay, đây là một hoạt động đóng góp công sức cho cộng đồng xã hội, vì vậy bạn hy vọng vaccine này sẽ thành công và góp một phần nhỏ bé trong công cuộc chống dịch.
Nam tình nguyện viên N.M.H cũng cho biết, anh khá hồi hộp. Anh M. cũng chia sẻ, trước khi tiêm anh phải trải qua quy trình khám sàng lọc rất chặt chẽ nên rất yên tâm khi tham gia thử nghiệm tiêm lâm sàng. "Tôi cũng khá hồi hộp. Tôi mong muốn vaccine này sẽ là vaccine sau này sẽ có tác dụng tốt phòng bệnh cho người dân". Anh M. cũng cho biết, sau tiêm anh sẽ tuân thủ, thực hiện khám định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.
IVAC mua bảo hiểm 40 tỷ đồng cho các tình nguyện viên tiêm vaccine
Sáng 15/3, trả lời phóng viên báo chí, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, buổi thử nghiệm vaccine này được đánh giá cao bởi đã phối hợp với các phòng thí nghiệm trên thế giới để nghiên cứu, trong đó có phòng thí nghiệm tại Ấn Độ và Hoa Kỳ để đánh giá kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng. Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá tốt với vaccine COVIVAC.
Về quyền lợi của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine COVIVA, ông Nguyễn Ngô Quang cho biết, theo quy định tất cả đối tượng tham gia đều có bảo hiểm. Hiện, IVAC đã mua bảo hiểm cho các đối tượng tham gia, tối đa cho cả đợt nghiên cứu là khoảng 40 tỷ đồng. Đây là quy định cứng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
COVIVAC là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trn công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm.
Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vaccine đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể của Anh và Nam Phi./.