Chè được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở thị trấn Sông Cầu. Vì vậy, thị trấn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển cây chè. Bà Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Người làm chè ở Sông Cầu hầu hết đều là công nhân của Công ty chè trước đây, do đó, họ làm chè theo tư duy công nghiệp, sản phẩm chè búp tươi thu hái xong đều bán cho Công ty để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, chất lượng sản phẩm sẽ không được chú trọng nhiều như ở các hộ làm chè truyền thống. Do đó, những năm 2000, khi Công ty chè hoạt động kém hiệu quả, không thu mua chè của nông dân nữa, người dân phải loay hoay tự tìm thị trường tiêu thụ. Lúc này, họ mới bắt đầu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Đồng hành cùng người dân, thị trấn Sông Cầu đã triển khai hướng dẫn bà con cải tạo đất, thay đổi giống và cách chăm sóc, chế biến chè. Địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè; đưa các giống chè giâm cành (như: TRI111, Kim Tuyên, LDP1…) vào trồng thay thế những diện tích chè trung du già cỗi, năng suất thấp; triển khai các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…. Hiện nay, trong tổng số hơn 350ha chè, thị trấn có khoảng 80% diện tích là các giống chè cành, 50ha chè đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 20ha chè hữu cơ. Dự kiến, trong năm 2021, địa phương sẽ đăng ký sản xuất thêm 50ha chè hữu cơ.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, ở tổ 4, thị trấn Sông Cầu chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 5.000m2 trồng chè và đều chăm bón theo hướng hữu cơ. Tôi thấy sản xuất chè theo hữu cơ đem lại nhiều lợi ích, trước mắt là đảm bảo môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho người trồng chè vì không sử dụng thuốc hóa học. Sản phẩm chè hữu cơ cũng cho chất lượng tốt, đậm vị, hương thơm tự nhiên và giá thành cao hơn so với chè thông thường. Hiện nay, sản phẩm chè của gia đình tôi bán được với giá 300 nghìn đồng/kg, cao hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với các hộ không theo hướng hữu cơ.
Cùng với cải tiến phương pháp sản xuất, thị trấn Sông Cầu cũng tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ người trồng chè đưa máy móc vào sản xuất (máy sao chè bằng gas; tôn quay, máy vò chè bằng inox; máy cắt cỏ…) nhằm giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng; hỗ trợ nguồn vốn vay phát triển kinh tế thông qua các kênh của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân… Bên cạnh đó, để giới thiệu quảng bá sản phẩm, thị trấn Sông Cầu đã kết nối để trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè của người dân tại các chương trình xúc tiến, hội chợ thương mại…. Ngoài ra, địa phương đã hỗ trợ về thủ tục hành chính thành lập 5 hợp tác xã liên kết sản xuất chè. Nhờ có các mô hình này, bà con đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh. Bà con chỉ tập trung chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, còn các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ ký kết thu mua sản phẩm, quảng bá và hướng đến xây dựng thương hiệu chè Sông Cầu. Nhờ hướng đi đúng đắn trong phát triển cây chè, đời sống của người dân thị trấn Sông Cầu ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 12 triệu đồng so với năm 2015). Trong thời gian tới, để tiếp tục quảng bá thương hiệu chè Sông Cầu, thị trấn định hướng việc phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè. Từ đó, nhằm xây dựng vùng sản xuất hiệu quả, gắn mục tiêu phát triển kinh tế với lợi ích bền vững của cộng đồng.