Cập nhật: Thứ tư 24/03/2021 - 09:21
Dự án Khu đô thị Việt Hàn (với diện tích 38ha, tổng mức đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 1.455 tỷ đồng) đang được triển khai thực hiện khá nhanh tại xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên).
Dự án Khu đô thị Việt Hàn (với diện tích 38ha, tổng mức đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 1.455 tỷ đồng) đang được triển khai thực hiện khá nhanh tại xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên).

Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và nỗ lực của các cấp, ngành, những năm gần đây, công tác cải thiện môi trường đầu tư của Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phát triển số lượng, chất lượng doanh nghiệp (DN), thu hút ngày càng nhiều dự án có triển vọng.

Có thể điểm lại một số kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH của tỉnh 5 năm qua để thấy rõ hơn những đóng góp và hiệu quả của công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 10,47%/năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10,85%/năm; thu ngân sách Nhà nước trong cân đối tăng 16,3%/năm; hằng năm tạo việc làm tăng thêm cho trên 21.000 lao động…

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có trên 3.600 DN được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 27.800 tỷ đồng; thu hút được 352 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 60.000 tỷ đồng (trong đó có 91 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 1,27 tỷ USD, tương đương trên 29.000 tỷ đồng)… Theo đánh giá của các cấp, ngành liên quan, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế được khuyến khích, tạo điều kiện thành lập, đầu tư phát triển, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được khơi dậy mạnh mẽ. Nhiều dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thuộc các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh đã và đang cân nhắc lựa chọn Thái Nguyên là “bến đỗ”.

Sự hài lòng của cộng đồng DN về môi trường đầu tư tại tỉnh được thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên không ngừng được cải thiện (nhiều năm liền đứng trong tốp 20). Riêng năm 2019, PCI của Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành, trong đó, nhiều chỉ số thành phần luôn duy trì thứ hạng cao hoặc tăng vượt bậc như: Đào tạo lao động và việc làm, gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ DN…
Thước đo sự hài lòng của các DN được thể hiện bằng việc “chấm điểm” chính quyền thông qua phiếu khảo sát PCI, và quan trọng hơn là việc DN triển khai hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh của họ tại tỉnh.

Khu B - Khu công nghiệp Điềm Thụy đang được đầu tư xây dựng hạ tầng, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều dự án lớn.

Ví dụ như Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Pilmico Group tại xã Điềm Thụy (Phú Bình). Đây là dự án có quy mô khá lớn (sử dụng 8ha đất với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng), áp dụng công nghệ hiện đại của châu Âu. Ông Nguyễn Văn Đích, Giám đốc Công ty phấn khởi: Chúng tôi bắt đầu xây dựng Nhà máy từ giữa năm 2020 và đến nay đã chuẩn bị đi vào hoạt động, sớm hơn kế hoạch khoảng 2 tháng. Trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý và xây dựng, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành nên mọi công việc được triển khai thuận lợi và nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng trong khu vực cũng đã khá tốt, đó là những yếu tố khiến DN yên tâm đầu tư.

Trong chuyến thăm, làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ngay sau dịp Tết Nguyên đán của Đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam bày tỏ: Thái Nguyên có môi trường phát triển tốt, chính quyền luôn đồng hành, tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả nên chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng. Samsung Việt Nam với cứ điểm sản xuất lớn nhất tại Thái Nguyên quyết tâm đạt tăng trưởng dương trong năm nay sau khi đã vượt qua năm 2020 nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Thực tế đã chứng minh, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh thời gian gần đây đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ như: thiếu quỹ đất sạch để giao cho các nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, cơ chế “một cửa” đã được triển khai đồng bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số dự án hạ tầng triển khai chậm, năng lực của nhiều DN trong tỉnh còn yếu, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển… Những vấn đề này đã được các cấp, ngành liên quan nhìn nhận rõ, cũng là những nội dung mà cộng đồng DN từng phản ánh, kiến nghị tại nhiều diễn đàn.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không của riêng cấp, ngành, địa phương nào nào. Hiện nay, Sở đã chủ trì tham mưu xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025. Đề án xác định mục tiêu tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn; rút ngắn, cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, phấn đầu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; bình quân mỗi năm có trên 800 DN được thành lập mới… Cùng với các giải pháp về cơ chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách hành chính, việc quan tâm phát triển hạ tầng, công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng là những công việc được tỉnh ưu tiên chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Trần Quyền