Cập nhật: Thứ sáu 26/03/2021 - 08:14
Nhờ nguồn vốn vay ưu đã từ NHCSXH huyện Định Hóa, gia đình anh Ngô Văn Vỹ, xóm Bản Mới, xã Kim Phượng (Định Hóa) đầu tư chăn nuôi lợn rừng đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đã từ NHCSXH huyện Định Hóa, gia đình anh Ngô Văn Vỹ, xóm Bản Mới, xã Kim Phượng (Định Hóa) đầu tư chăn nuôi lợn rừng đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhằm đưa nguồn vốn tín dụng đến với các đối tượng chính sách, 4 tổ chức chính trị, xã hội xã Kim Phượng (Định Hóa) nhận ủy thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện đã kịp thời triển khai nguồn vốn đến hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Qua đó giúp nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Kim Phượng là xã thuần nông, được sáp nhập từ 2 xã Kim Sơn và Kim Phượng (cũ). Sau sáp nhập, xã có khoảng 1.500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ trên 70%, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện nay lần lượt là 5,16% và 6,88%. Người dân trong xã chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp, kinh tế rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ nên nhu cầu của người dân về nguồn vốn chính sách là rất lớn. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã, đã có hàng nghìn lượt hộ dân  của xã Kim Phượng được tiếp cận nguồn vốn các chương trình: cho vay giải quyết việc làm; hộ nghèo; cận nghèo; mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, trong số này, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thậm chí là làm giàu.

Điển hình như gia đình anh Ngô Văn Vỹ, xóm Bản Mới, là hộ nghèo từ năm 2014. Cùng năm, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ bò giống để có thêm nguồn thu nhập. Được sự động viên của gia đình, anh đã mạnh dạn vay mượn thêm vốn từ anh em, họ hàng để chăn nuôi nhím. Sau 2 năm, mô hình chăn nuôi của gia đình cho thu nhập tốt, cộng thêm nguồn thu nhập từ con bò giống, gia đình anh đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã năm 2016. Đến năm 2018, với chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH ra đời, anh được tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình này để đầu tư chăn nuôi lợn rừng. Đến nay, gia đình anh có 5 con lợn rừng nái, trên 20 con lợn rừng thịt, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Vỹ cho biết: Sau khi thoát nghèo, kinh tế gia đình dần ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, muốn đầu tư lớn hơn thì lại chưa có điều kiện. Chính vì thế, nguồn vốn của NHCSXH đã giúp cho tôi có thêm nguồn lực và là động lực đểu để đầu tư chuồng trại, mở rộng chăn nuôi. 

Để nguồn vốn tín dụng đạt hiệu quả cao, các hội, đoàn thể nhận ủy thác của xã luôn quan tâm, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi. Cùng với đó quan tâm, làm tốt công tác kiểm tra việc bình xét, đối tượng vay và mục đích sử dụng nguồn vốn của các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như hộ vay. Chị Trần Lan Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Sau 1 tháng giải ngân, chúng tôi đều kiểm tra tận hộ việc sử dụng nguồn vốn. Đồng thời thường xuyên nắm bắt thêm thông tin về hộ vay, để báo cáo kịp thời với UBND xã và NHCSXH huyện nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. huyện

Được biết, hiện tổng dư nợ các hội đoàn thể của xã Kim Phượng đang nhận ủy thác của NHCSXH gần 31,5 tỷ đồng (lớn nhất so với các xã, thị trấn), với gần 1.300 hộ còn dư vay. Ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng thông tin: Nguồn vốn chính sách đã góp một phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo của địa phương. Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thông qua hoạt động ủy thác với các cấp hội đoàn thể, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững; có một số hộ đã vươn lên trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Tính đến hết năm 2020, xã còn 78 hộ (tương ứng 5,16%) như hiện nay, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương rà soát các trường hợp có nhu cầu vay, tạo điều kiện tốt nhất về quy trình thủ tục và ưu tiên nguồn vốn. Cùng với đó là phối hợp với cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật để bà con sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Việt Dũng