Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm, đạt hơn 10 tỷ USD một năm. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thương mại hai chiều vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tính đến hết tháng 2 năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức ước đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, Đức đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hơn 300 doanh nghiệp Đức với 361 dự án đang được triển khai trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 35 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 250 triệu USD trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn…
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn duy trì là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các hoạt động hợp tác với Đức. Đức hiện là bạn hàng lớn, đồng thời cũng là quốc gia có nhiều dự án đầu tư trọng điểm tại thành phố, như Trường đại học Việt - Đức, Trường quốc tế Đức…
Bà Hoàng Thị Hương, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen tại Việt Nam cho rằng, Cộng hòa Liên bang Đức nói chung và bang Bremen nói riêng có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt đầu tư, kinh doanh, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đầu tư kinh doanh tại đây, doanh nghiệp cần chú ý tới hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, dịch vụ cũng như quan tâm đến yếu tố môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, nhà đầu tư nên tiếp cận thị trường ngách với quy mô nhỏ trước, phát triển dần sau khi đã thành công bước đầu và hoàn thành đăng ký bảo hộ đối với mô hình đầu tư, sản phẩm kinh doanh. Cùng với đó, chú ý đến hệ thống pháp luật của Đức, bởi luật pháp ở đây rất nghiêm minh và cụ thể, doanh nghiệp cần phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh và đặc biệt chú ý tới luật bảo mật thông tin cá nhân.