Từ thực tế cho thấy việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Đại Từ có nhiều lợi thế bởi trong những năm qua, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương là cây chè đã được cấp ủy, chính quyền và người dân chú trọng phát triển. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con nhân dân đã có ý thức ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc tới thu hái, chế biến, đóng gói; nhiều sản phẩm chè đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Điều này cũng lý giải nguyên do tại sao trong số 17 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP của Đại Từ thì có tới 13 sản phẩm về chè.
Trao đổi với chúng tôi, bà La Thị Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Sơn Thành, ở xóm Lũng 2, xã Phú Lạc cho biết: Người dân xóm Lũng 2 có truyền thống làm chè từ hơn 50 năm nay. Sản phẩm chè nơi đây luôn được khách hàng đánh giá cao bởi hương vị thơm ngon riêng có. Tuy nhiên, trước đây, các hộ dân chủ yếu tiêu thụ chè ở các chợ lân cận, giá bán bấp bênh. Xác định xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng và đưa sản phẩm chè tiếp cận được với những thị trường lớn hơn, chúng tôi đã liên kết để thành lập HTX. Khi huyện triển khai Chương trình OCOP, chúng tôi đã tiên phong đăng ký thực hiện, 2 sản phẩm chè cao cấp của HTX là Trà tôm nõn và Đinh đinh trà đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao. Năm 2020, sản phẩm Trà xanh Sơn Thành được chứng nhận 4 sao. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục sản xuất, nâng cao chất lượng và hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm chè ra nước ngoài.
Bên cạnh sản phẩm chè truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ chè với mục tiêu tiếp cận tới nhiều đối tượng khách hàng là chiến lược kinh doanh của Công ty TNHH MTV Thương mại Hùng Thái, ở thị trấn Hùng Sơn. Thời gian qua, Công ty liên tục đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Năm 2020, sản phẩm Trà lắc của đơn vị đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Để được chứng nhận OCOP, Công ty phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất an toàn. Việc sản phẩm được chứng nhận OCOP đã giúp chúng tôi đưa sản phẩm lên giá, kệ tại nhiều siêu thị lớn, nhỏ trong cả nước. Năm nay, Công ty phấn đấu tăng sản lượng tiêu thụ lên 90 tấn chè búp khô nguyên liệu (tăng 30% so với năm 2020).
Cùng với các sản phẩm nói trên, huyện Đại Từ còn 13 sản phẩm khác đã được chứng nhận OCOP. Trong đó có 7 sản phẩm được chứng nhận 4 sao, còn lại là 3 sao. Đáng chú ý, năm 2020, toàn huyện có 9 sản phẩm được chứng nhận thì có tới 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, đồng thời, xuất hiện thêm các sản phẩm mới ngoài chè, đó là: tinh bột nghệ của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên, ở xã Tân Linh; nấm hầu thủ, linh chi đỏ, mộc nhĩ khô của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn. Theo đánh giá của cơ quan chuyện môn, với mong muốn sản phẩm của mình được công nhận, gắn sao, các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn huyện Đại Từ ngày càng quan tâm đầu tư về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tạo lòng tin của người tiêu dùng và dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng địa phương.
Năm 2020, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên, ở ở xã Tân Linh (Đại Từ) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện Đại Từ đã có nhiều nỗ lực trong quá trình triển khai Chương trình OCOP. Theo đó, ngay sau khi tỉnh ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện đã kiện toàn và bổ sung, phân công nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP cho Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Địa phương đã phối hợp tổ chức gần 30 lớp tập huấn về Chương trình OCOP cho trên 3.000 lượt học viên là thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới các xã, thị trấn, chủ thể sản xuất các sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP… Ngoài ra, huyện cũng tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất về hồ sơ, thủ tục pháp lý, hoàn thiện mẫu mã, bao bì… để đăng ký thẩm định, chứng nhận sản phảm OCOP.
Ông Dương Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đại Từ cho hay: Phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được công nhận; phát triển các sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP như: Bưởi, nem chua, mỳ gạo… Giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận OCOP, toàn huyện có thêm từ 25 sản phẩm trở lên được công nhận, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Đồng thời, xây dựng ít nhất 1 cửa hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện và 10 điểm giới thiệu tại các xã…