Được tham dự một tiết học Lịch sử của học sinh lớp 9A, Trường THCS Phú Đình, xã Phú Đình (Định Hóa), chúng tôi thấy không khí sôi nổi, hăng say tìm hiểu về kiến thức Lịch sử, đặc biệt là khi các di tích lịch sử tại chính nơi các em đang sinh sống xuất hiện trong bài học. Em Phạm Thị Linh Chi, cho biết: Tuy đã được nghe, được học và được trải nghiệm thực tế tại nhiều di tích trong xã, nhưng mỗi lần trong tiết học Lịch sử được cô giáo giảng về các di tích của địa phương, em vẫn thấy rất hào hứng và thêm tự hào về quê hương mình, về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông.
Để lồng những kiến thức lịch sử của địa phương vào trong những bài học trên lớp là một công việc không hề dễ. Đặc biệt, Phú Đình lại là địa chỉ đỏ với hàng trăm di tích. Cô Ngô Thị Tươi, giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường THCS Phú Đình cho biết: Tự hào là nơi có bề dày lịch sử truyền thống cách mạng, chúng tôi ý thức được rằng việc truyền dạy, giáo dục những giá trị truyền thống, giá trị lịch sử gắn với địa phương cần phải được đưa vào chương trình học của nhà trường. Trong mỗi tiết học về lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, tôi đều lồng ghép, hệ thống lại kiến thức trong bài học sao cho vừa đáp ứng đầy đủ nội dung chương trình học mà vẫn đưa được lịch sử của địa phương vào bài. Qua đó, khơi dậy niềm hứng thú cho các em với môn Lịch sử. Hiện nay, việc giảng dạy Lịch sử đã có rất nhiều thuận lợi, thông qua các phương tiện nghe nhìn, những video, hình ảnh, tư liệu sinh động về ATK Định Hóa được tái hiện rõ nét, các em học sinh có thêm kiến thức về nơi mình sinh sống, vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước.
Trên địa bàn Định Hóa có 182 điểm di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, trong đó có 25 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia; 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Các di tích này đều là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. |
Không chỉ riêng các trường THCS, khối các trường tiểu học, THPT trên địa bàn huyện Định Hóa cũng đã có nhiều hình thức sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng. Nhiều trường đã tích hợp giảng dạy lịch sử địa phương vào các bộ môn phù hợp như: Lịch sử; Đạo đức; Giáo dục quốc phòng; Giáo dục công dân... Cùng với những tiết học trên lớp, hằng năm, các nhà trường còn tổ chức hoạt động thăm quan, trải nghiệm di tích lịch sử, tổ hức thi tìm hiểu về lịch sử địa phương…
Thầy Bùi Quang Trọng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đình cho rằng “Những hoạt động giáo dục trên giúp các em hào hứng ôn lại bề dày truyền thống lịch sử của cha ông trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống, hơn nữa còn có thêm nhiều hiểu biết về di sản của quê hương Thái Nguyên nói chung. Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của thế hệ cha anh, các em học sinh đã ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản”.
Ông Trần Phúc Vĩnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Định Hóa cho biết: Bên cạnh các tiết học trên lớp, việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với di tích lịch sử của địa phương mà nhiều nhà trường trên địa bàn huyện đang thực hiện là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Kết hợp với các chuyến thực tế về nguồn, các nhà trường còn cho học sinh tham quan, dọn vệ sinh các điểm di tích trong quần thể Di tích lịch sử - danh thắng ATK Định Hóa; trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch tại ATK Định Hóa; tổ chức cuộc thi “Tự hào di sản quê em”; tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “ATK Định Hóa với kháng chiến chống thực dân Pháp”… Tuy vậy, việc tổ chức lồng ghép giáo dục lịch sử truyền thống vào trong các nhà trường và tổ chức các buổi ngoại khóa về chủ đề này còn ít, hình thức truyền tải còn chưa phong phú đa dạng. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện Định Hóa sẽ tiếp tục tăng cường các lớp tập huấn cho các giáo viên để đẩy mạnh việc đưa giáo dục truyền thống vào các bài giảng trong lớp học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh các nhà trường…