Có sai sót không chỉ đạo dừng Dự án
Đề cập đến vấn đề tăng vốn trong Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO, bị cáo Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) cho biết: Mọi việc liên quan đến Dự án này, VNS không được tự quyết mà phải xin phép Bộ chủ quản là Bộ Công Thương. Còn trách nhiệm trực tiếp quản lý thuộc về TISCO. Khi nhà thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm các điều khoản, bị cáo đã không chỉ đạo dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, bởi không ai có ý kiến đề xuất dừng hợp đồng. Trong khi cấp dưới lại có đề xuất tìm cơ chế đặc thù để giải quyết dự án theo hướng tốt nhất, nhanh nhất.
Phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân T.P Hà nội ngày 14-4.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc TISCO nêu: Đã ký tờ trình HĐQT, sau đó có gửi văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và VNS xin xem xét chỉ đạo dừng Dự án, thu hồi tiền tạm ứng và yêu cầu nhà thầu MCC bồi thường nhưng không nhận được bất kỳ văn bản phúc đáp nào từ Bộ Công Thương và VNS.
Các bị cáo Trần Trọng Mừng, Đồng Quang Dương, nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án và Đặng Thúc Kháng, nguyên Trưởng Ban kiểm soát VNS đều thừa nhận sai sót khi không có ý kiến đề nghị hoặc chỉ đạo dừng dự án khi xảy ra sai phạm, nhưng cho rằng các hành vi này nhằm mục đích quyết tâm thực hiện bằng được dự án; tháo gỡ khó khăn và giải quyết việc làm cho người lao động của TISCO. Các bị cáo không biết rằng các việc làm đó sẽ vi phạm pháp luật tại thời điểm thực hiện.
Chối bỏ trách nhiệm liên quan đến nhà thầu phụ
Tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO, sau khi điều chỉnh tăng vốn, VINAINCON được chọn thực hiện phần C trong hợp đồng thiết kế, cung cấp, xây dựng số 01. Về vấn đề này, bị cáo Mai Văn Tinh khai thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên và căn cứ vào văn bản của TISCO trình; thẩm quyền lựa chọn phụ thuộc vào nhà thầu chính chứ không phải của VNS. Còn bị cáo Trần Trọng Mừng thì thừa nhận có trách nhiệm khi không thẩm định, điều tra mà tin vào sự giới thiệu của cấp trên và báo cáo của cấp dưới khi nói đã khảo sát xong. Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương lại nhấn mạnh: VINAINCON là công ty trực thuộc của bộ này. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án, Bộ Công Thương chỉ giới thiệu VINAINCON, còn việc quyết định lựa chọn hay không phụ thuộc vào VNS và TISCO.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – TISCO đã dừng hoạt động từ lâu, nhiều hạng mục xây dựng đã bị rỉ sét.
Trong phần xét hỏi tại tòa sáng 14-4, đại diện của VINAINCON cho rằng: Công ty là một trong những nhà thầu lớn nhất cả nước ở thời điểm triển khai Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO, đã tham gia làm chủ đầu tư nhiều dự án và đủ năng lực tham gia đấu thầu. Ông Hoàng Chí Cường, nguyên Tổng giám đốc VINAINCON không nhắc đến nội dung giới thiệu của Bộ Công Thương mà cho rằng đã từng tham gia và biết chủ trương của TISCO là tách phần C của hợp đồng xây lắp cho nhà thầu Việt Nam thực hiện nên đăng ký đấu thầu. Hợp đồng được ký theo đơn giá điều chỉnh thời gian và đã triển khai một số phần việc.
Ông Cường nói không có lỗi trong việc rút khỏi Dự án. Công ty đã rất cố gắng, là đơn vị cuối cùng rút và cũng đang có dư nợ nhiều nhất tại TISCO (khoảng 200 tỷ đồng). Việc Dự án chậm tiến độ có lỗi của nhiều bên, trong đó có lý do VINAINCON không nhận được đầy đủ bản vẽ thiết kế hoặc bản vẽ có nhiều điều chỉnh; giải phóng mặt bằng chậm; một số vât liệu phía Trung Quốc cung cấp không đảm bảo tiến độ và nghiệm thu, thanh toán rất chậm. Tuy nhiên, phía VINAINCON không trả lời được đầy đủ câu hỏi của thẩm phán về việc thuê nhà thầu bên ngoài trong khi hợp đồng đã ký yêu cầu phải thực hiện toàn bộ phần việc.