Tết Hàn thực (3-3 Âm lịch) hàng năm bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc. "Hàn Thực" có nghĩa là "thức ăn lạnh". Vào ngày này người ta quan niệm không sử dụng lửa và ăn đồ chay nguội như bánh trôi, bánh chay.
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng. Đây là một dịp để người Việt hướng về nguồn cội, tưởng nhớ ân đức tổ tiên. Vào ngày này, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay là những thức ăn nguội tượng trưng cho Tết Hàn thực. Ngoài bánh trôi và bánh chay, các gia đình cũng có thể mua thêm hoa quả và các thứ bánh trái khác. Sau khi bày lễ lên ban thờ, các gia đình thường thắp hương và khấn gia tiên theo Bài cúng Tết Hàn Thực được lưu truyền từ xưa đến nay.
Bánh trôi, bánh chay biến tấu hình nhân vật hoạt hình.
Đến hẹn lại lên, trước và trong ngày Tết Hàn thực, các bà nội trợ lại trổ tài nấu món bánh trôi, bánh chay. Mấy năm nay, món bánh này cũng có nhiều biến tấu. Bên cạnh loại bánh truyền thống làm từ bột nếp, bột gạo nhân đường, nhiều bà nội trợ còn trổ tài tạo màu cho bánh từ các nguyên liệu tự nhiên như: màu đỏ làm từ gấc, màu tím làm từ hoa đậu biếc, màu xanh nhạt từ lá dứa, màu đỏ từ củ dền… Nhân bánh không chỉ có hình tròn truyền thống mà còn được tạo thành đủ hình dáng thú vị như chó, mèo, gấu, bông hoa, quả dưa hấu… Đây cũng là dịp để cả gia đình quây quần, tụ họp, lũ trẻ vui sướng vì được thưởng thức món bánh thơm ngon mẹ làm.
Bánh trôi
Chị Ngọc, một bà nội trợ ở Hà Nội tiết lộ cách làm bánh trôi, bánh chay ngon: “Hồi bé, mỗi lần muốn ăn bánh trôi là mẹ phải đi xay bột xong để vào cái túi vải cho róc nước. Giờ thì nhanh rồi, tôi mua bột nếp khô của Tài Ký, đậu phụ tươi (để khi nấu lên có mùi đậu nành rất thơm), thêm nhân đường và đỗ xanh tùy thích”. Năm ngoái, chị làm hình củ quả và hoa cho các con, năm nay thêm phần sáng tạo, chị tạo hình bánh thành nhân vật hoạt hình Tsum Tsum nên các con chị rất mê món bánh mẹ làm.
Món bánh trôi, bánh chay không chỉ “nóng” ở mỗi gian bếp các nhà. Nhiều cơ quan, văn phòng cũng đưa món bánh trôi, bánh chay vào thực đơn bữa chiều để tạo không khí thân thiết cho nhân viên. Anh Hoàng Tuấn, 35 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, mặc dù đang kiêng đường và tinh bột nhưng anh cũng không thể kiềm lòng trước “bữa tiệc” nhỏ toàn các món bánh trôi, bánh chay thơm ngon do đầu bếp cơ quan chế biến.
Những ngày này, trên các tuyến phố và các chợ ở Hà Nội đã bày bán rất nhiều bánh trôi, bánh chay cũng như nguyên liệu làm bánh từ sáng sớm để phục vụ người dân. Nhiều tiểu thương cho biết, họ phải thức xuyên đêm làm bánh mới kịp phục vụ cho những khách đặt bánh sớm.
Dù có nhiều thay đổi và biến tấu, song ngày Tết Hàn thực đã trở thành nét văn hóa ý nghĩa trong mỗi gia đình người Việt. Đây cũng là dịp để mỗi người đi xa đều cố gắng trở về gia đình cùng nhau thưởng thức đĩa bánh, ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình./.