Năm 2010, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân T.X Phổ Yên tổ chức, ông Đỗ Văn Triệu, ở xóm Chùa 2, xã Đắc Sơn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trên 700m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn. Được sự tư vấn của cơ quan chuyên môn, ông Triệu nhận thấy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả nên đã đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, nuôi khoảng 50 con lợn sinh sản và trên 100 con lợn thịt/lứa (3 lứa/năm).
Ông Triệu chia sẻ: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, tôi đã chủ động về con giống, sử dụng men vi sinh để kích thích quá trình tiêu hóa và tăng khả năng hấp thụ thức ăn, giúp đàn lợn phát triển nhanh. Cùng với việc bố trí hố khử trùng tại các lối ra, vào, tôi còn xây dựng hầm biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời tận dụng khí gas phục vụ sinh hoạt. So với hình thức chăn nuôi cũ, chăn nuôi theo hướng an toàn giúp đàn lợn của gia đình luôn khỏe mạnh, ít bị mắc bệnh. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về trên 500 triệu đồng/năm từ chăn nuôi.
Với cách làm tương tự, năm 2017 gia đình ông Trần Văn Tình, ở xóm Tân Ấp, xã Đông Cao đã chuyển sang chăn nuôi theo quy trình VietGAP trên diện tích chuồng trại hơn 4.000m2, số lượng khoảng 7.000 con/lứa. Trước đó, gia đình ông chủ yếu chăn nuôi theo phương thức truyền thống. Do chưa biết cách vệ sinh chuồng trại, khi gà mắc bệnh chỉ sử dụng kháng sinh nên đàn gà chậm phát triển, hiệu quả kinh tế không cao.
Ông Tình cho biết: Cùng với việc lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, khỏe mạnh, gà giống sau khi đưa nuôi đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; bổ sung các chất dinh dưỡng vào thức ăn theo định kỳ 1-2 tháng/lần đảm bảo quy trình và hàm lượng cho phép để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, tôi chia hệ thống chuồng trại thành các khu nhỏ, nằm cách xa nhau, giúp hạn chế lây lan dịch bệnh, thuận lợi cho công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường. Sổ sách ghi chép, theo dõi các khâu trong quá trình từ khi nhập con giống đến khi xuất bán đều được thiết lập và quản lý chi tiết. So với phương pháp truyền thống, khi chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đàn gà lớn nhanh, ít bị dịch bệnh và phát triển đồng đều hơn, tỷ lệ sống đạt trên 98%. Chất lượng thịt tốt hơn nên được nhiều người tin tưởng lựa chọn, giá bán cũng cao hơn 15-20 nghìn đồng/kg so với gà nuôi thông thường.
Trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện có trên 100 trang trại chăn nuôi, trong đó có hơn 70 trang trại lợn, còn lại là gia cầm và chăn nuôi tổng hợp. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho hay: Thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra một số dịch bệnh như: Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi của người dân. Trước thực tế này, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các mô hình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi an toàn, thị xã cũng tạo điều kiện để người dân chuyển từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại. Đồng thời, khuyến khích người dân đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, mô hình nuôi và liên kết theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo đầu ra, nâng cao thu nhập. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn có 9 cơ sở chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Mặc dù số lượng chưa nhiều, song qua đó cho thấy, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn đã được nâng lên.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn, chăn nuôi theo hướng an toàn là hướng đi phù hợp, cần được tiếp tục đẩy mạnh. Thời gian tới, thông qua các mô hình khuyến nông, T.X Phổ Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo phương pháp an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.