Tại cuộc họp, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã thông báo về định hướng và chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đánh giá cao vai trò, vị thế quan trọng của Đức ở châu Âu và trên thế giới; khẳng định, Việt Nam mong muốn củng cố, phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.Quốc Vụ khanh Miguel Berger chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII, ca ngợi nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; khẳng định coi trọng vai trò của Việt Nam trong triển khai Định hướng chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Chính phủ Đức thông qua vào tháng 9-2020.
Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng… Các nội dung hợp tác trong Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức giai đoạn 2019 - 2022 đang được triển khai đúng tiến độ như: Việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại về nhà nước pháp quyền, hợp tác an ninh - quốc phòng, dự án Trường Đại học Việt - Đức...
Đặc biệt, trong năm 2020, trên "vai trò kép" khi Việt Nam và Đức cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN và Đức là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) 6 tháng cuối năm, hai nước đã phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực trong việc nâng cấp quan hệ ASEAN - EU lên Đối tác chiến lược và thúc đẩy các vấn đề an ninh, hòa bình, bảo vệ khí hậu, chống COVID-19, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức trong thời gian tới, hai bên nhất trí phối hợp xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn tiếp theo; chú trọng tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như: Hợp tác chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, năng lượng tái tạo, số hóa, đào tạo nghề, điều dưỡng viên… Đặc biệt, hai bên nhất trí đẩy mạnh các hoạt động kết nối và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Đức cam kết ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) tại Quốc hội Đức. Việt Nam hoan nghênh các quan tâm, sáng kiến của Đức đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ Đức tăng cường hợp tác với ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) và hợp tác ASEAN - EU.
Hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cùng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông; đồng thời tái khẳng định ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Quốc Vụ khanh Miguel Berger nhấn mạnh, Đức ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực.