Cập nhật: Thứ ba 20/04/2021 - 10:36
Theo thống kê, số lượng thẻ của VETC đã dán được là 1,1 triệu xe, VDTC là 400.000 xe, chiếm 38% số lượng xe cần gắn thẻ.
Theo thống kê, số lượng thẻ của VETC đã dán được là 1,1 triệu xe, VDTC là 400.000 xe, chiếm 38% số lượng xe cần gắn thẻ.

Sau hơn 3 tháng vận hành, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đã phát hiện một số vướng mắc bắt nguồn từ công tác quản lý, vận hành, cần được sớm khắc phục.

Quyết định 19-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC), có hiệu lực thi hành từ 1/8/2020, các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.

Điều này thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT nhằm góp phần hiện thực hóa chiến lược quốc gia về số hóa nền kinh tế.

Hơn một triệu xe ô tô đã dán thẻ thu phí không dừng

Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 4 triệu xe ô tô đủ điều kiện lưu hành. Để thuận tiện cho việc thu phí, tránh ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí cũng như minh bạch tài chính, hạn chế giao dịch tiền mặt tại các trạm thu phí BOT, từ năm 2016 Công ty TNHH thu phí tự động VETC (VETC) là đơn vị đầu tiên được Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN cho phép triển khai dán thu phí tự động không dừng (ETC), dán thẻ E-tag tại các trạm Đăng kiểm trên cả nước.

Năm 2020 Bộ GTVT bổ sung thêm Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2) là Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam VDTC (VDTC) với thẻ ePass. Đến nay số lượng thẻ của VETC đã dán được là 1,1 triệu xe, VDTC là 400.0000 xe, chiếm 38% số lượng xe cần gắn thẻ.

Được biết, chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ cho lần lắp đặt đầu tiên trên mỗi xe ô tô trước ngày 31/12/2021. Từ ngày 01/01/2022 trở đi, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Việc gắn thẻ được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền.

Những lỗi còn xảy ra của thu phí không dừng

Thời gian vừa qua, một số chủ phương tiện phản ánh trong tài khoản thu phí tự động không dừng còn tiền nhưng khi qua trạm BOT hệ thống ứng dụng thu phí không nhận diện được dẫn đến chủ xe phải dừng lại thanh toán tiền mặt.

Cụ thể, đã có một số xe dán thẻ thu phí tự động không dừng đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Giang - Lạng Sơn...gặp tình trạng không giao dịch được thanh toán thu phí không dừng.

Các lỗi xảy ra như xe qua trạm thu phí đầu vào được nhưng đến trạm đầu ra lại không giao dịch được do không kiểm tra được số dư trên tài khoản giao thông. Nhân viên trạm thu phí giải thích là do các đơn vị lắp đặt và vận hành thu phí tự động gồm VETC và VDTC chưa kết nối liên thông, chủ xe bức xúc vì có tiền trong tài khoản mà phải lùi xe sang làn thu phí thủ công hoặc phải trả tiền mặt.

Theo đó, Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP - Bộ GTVT) đã tiến hành kiểm tra các hoạt động thu phí không dừng tại các trạm thu phí có lưu lượng lớn như: trạm Quốc lộ 1 Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình...để tìm nguyên nhân và đã yêu cầu các bên cần khắc phục các lỗi này.

Kết quả của đoàn kiểm tra cho thấy, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí này vẫn còn nhiều tồn tại và vướng mắc về quá trình quản lý, vận hành. Trong đó, xác định được các lỗi đọc thẻ (xe dán thẻ đủ điều kiện nhưng barie không mở), đặc biệt gặp nhiều tại các trạm do nhà đầu tư BOT lắp đặt thiết bị Front-end (đầu-cuối) kết nối với Trung tâm dữ liệu của VDTC.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới các lỗi thu phí không dừng, lãnh đạo Vụ PPP chỉ ra nguyên nhân do phía VDTC còn tồn tại các lỗi trong quá trình dán thẻ cho khách hàng (đưa thẻ cho khách hàng tự dán, dán ở các vị trí không đảm bảo về mặt kỹ thuật, không kiểm tra chất lượng đọc thẻ sau khi dán,...).

Để khắc phục những lỗi nêu trên, Vụ Đối tác công tư đã yêu cầu VDTC rà soát, điều chỉnh lại quy trình dán thẻ cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình dán thẻ dịch vụ; cử cán bộ thường trực tại các trạm thu phí xử lý, thay thế các thẻ dán bị lỗi cho khách.

Các nhà Cung cấp dịch vụ kiến nghị giải pháp để hoàn thiện

Để hoàn thiện thu phí tự động không dừng, VETC đề nghị Tổng cục ĐBVN chỉ đạo cả hai Nhà đầu tư cung cấp dịch vụ (VETC và VDTC) không bán vé tháng/quý vé MTC cho khách hàng đã dán thẻ E-tag/ePass, cần khuyến khích và đưa ra lộ trình yêu cầu khách hàng mua vé tháng quý ETC. Nếu khách hàng đã mua vé tháng/quý MTC trước đó, thì hai bên phải đưa vào danh sách thẻ tự động tại điểm khách hàng đã mua để không bị trừ vé lượt ETC.

Bên cạnh đó VETC cũng đề nghị Tổng Cục ĐBVN rà soát và chấn chỉnh lại chất lượng dán thẻ của 2 đơn vị. Giảm thiểu tối đa việc gây bức xúc cho người tham gia giao thông và gây khó khăn cho công tác vận hành tại các trạm thu phí, nhất là các Trạm thu phí không phải do Nhà cung cấp dịch vụ thực hiện công tác vận hành mà sẽ thực hiện bởi các Nhà đầu tư BOT.

Phía Công ty VDTC đề xuất TCĐBVN cần có biện pháp để xử lý các xe không đủ điều kiện đi vào làn ETC, gây bức xúc cho các xe đủ điều kiện qua làn nhưng phải xếp hàng chờ dài chỉ vì một xe đi sai làn. Đồng thời cần truyền thông đến người tham gia giao thông chỉ cẩn một thẻ E-tag hoặc ePass gắn trên xe có thể lưu thông qua tất cả các trạm thu phí đã triển khai dịch vụ thu phí không dừng trên toàn quốc.

Về những lỗi và kiến nghị trên, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Tổng cục đã yêu cầu VDTC chấn chỉnh lại việc dán thẻ và bố trí nhân viên thường trực tại các trạm, thẻ nào bị lỗi dán lại ngay cho chủ phương tiện.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đang giao 2 nhà cung cấp dịch vụ trên xây dựng quy chế phối hợp, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia vào công tác vận hành hệ thống, cũng như xác định rõ quy trình xử lý các vấn đề khi phát sinh lỗi trong quá trình vận hành.

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ tập trung cao độ, khắc phục các lỗi, giải quyết triệt để các bất cập trong tháng 4. Đồng thời cũng sẽ xây dựng Thông tư quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác trạm thu phí không dừng.

TCĐB cũng sẽ làm việc cụ thể với Cục CSGT – Bộ Công an để triển khai chương trình tuyên tuyền và xử phạt các Phương tiện đi sai làn ETC, đúng theo Nghị định 100-CP/2019 của Chính phủ./.


Theo VOV.VN