Đến vùng trồng chè tập trung của Hợp tác xã (HTX) chè Kim Thoa, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, chúng tôi được thỏa sức ngắm những đồi chè xanh ngát. Nhanh tay hái những búp chè non, chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chia sẻ: Gia đình tôi trồng trên 1.000m2 chè, chủ yếu là các giống chè lai. Trước đây, tôi chăm sóc theo kinh nghiệm được truyền lại từ đời các cụ, cứ thu hái xong 1 lứa chè là phun thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và các hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác cũng như nghiên cứu nhu cầu thị trường, hiện nay, tôi chuyển sang trồng chè áp dụng phương pháp hữu cơ. Trong đó, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại mà dùng chế phẩm sinh học để xua đuổi côn trùng, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón gốc. Không những áp dụng đối với nương chè của gia đình, tôi còn vận động các thành viên trong HTX sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, chất lượng chè của HTX luôn đảm bảo chất lượng, an toàn với người sử dụng. Các sản phẩm của chúng tôi ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và đặt mua với số lượng lớn, giá cũng tăng hơn khoảng 20% so với chè sản xuất theo phương thức truyền thống.
Cũng sớm nhận thấy hiệu quả của việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ, chị Phạm Thùy An, Phó Giám đốc HTX chè trung du Tân Cương, xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương cho biết: Trước đây, tôi sản xuất chè theo quy trình VietGAP, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Tuy nhiên, đứng trước thực tế người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm, tôi luôn trăn trở tìm cách để sản xuất ra sản phẩm chè với chất lượng hoàn hảo nhất. 3 năm trở lại đây, tôi đã chuyển sang canh tác chè theo hướng hữu cơ, đồng thời hướng dẫn và quản lý 72 hộ của HTX áp dụng phương thức này. Nhờ đó, qua kiểm nghiệm của cơ quan chuyên môn, sản phẩm chè của HTX không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Theo bà Ngô Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên: Qua khảo sát thực tế tại vùng chè đặc sản Tân Cương, chúng tôi nhận thấy có nhiều hộ trồng chè có nguyện vọng chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất chè sạch, an toàn. Bởi vậy, từ năm 2019, Trung tâm đã triển khai mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại 2 xã Tân Cương và Phúc Xuân trên quy mô 6ha với 21 hộ tham gia. Tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kiến thức chăm sóc chè theo phương thức hữu cơ và được hỗ trợ 40% giá vật tư, phân bón. Ngoài ra Trung tâm còn cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè. Sau 2 năm áp dụng mô hình, kết quả đánh giá cho thấy, trong quá trình chăm sóc cây chè người dân đã giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học đáng kể. Tuy trong 3 lứa đầu, sản lượng và mẫu mã chè có kém hơn so với sản xuất theo phương thức truyền thống, nhưng từ lứa thứ 4 trở đi, sản lượng tăng khoảng 20%. Thêm vào đó, cây chè khỏe hơn, sản phẩm của các hộ dân tham gia mô hình đảm bảo quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho hay: Thực tế cho thấy, việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả cao về nhiều mặt so với phương thức truyền thống. Tuy nhiên, do yêu cầu công chăm sóc tỷ mỷ, chi phí chăm sóc cao hơn so với cách chăm sóc chè truyền thống nên diện tích chè hữu cơ trên địa bàn thành phố chưa nhiều. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo UBND thành phố, ngành chức năng áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, đặc biệt là tại các vùng chè đặc sản của địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng chè và đảm bảo môi trường sinh thái nhằm phục vụ phát triển kinh tế kết hợp du lịch trải nghiệm tại vùng chè đặc sản Tân Cương.