Cập nhật: Thứ sáu 23/04/2021 - 09:03
Sản xuất hộp carton, bao bì từ giấy và bìa của Công ty TNHH Doosun Việt Nam ở Cụm công nghiệp Nguyên Gon (T.P Sông Công).
Sản xuất hộp carton, bao bì từ giấy và bìa của Công ty TNHH Doosun Việt Nam ở Cụm công nghiệp Nguyên Gon (T.P Sông Công).

Từ đầu năm đến nay, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định. Từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng và bảo đảm việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Theo dự báo của ngành Công Thương, thời gian tới, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ có những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư.

Trong quý I năm nay, giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh ước đạt 150.000 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 71,4% kế hoạch nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước gần 0,5%. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành chức năng và cộng đồng DN trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc trên địa bàn tỉnh, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng bước sang năm 2021, các DN này đã chủ động tháo gỡ khó khăn bằng nhiều giải pháp, như: Chủ động nhập khẩu nguyên phụ liệu, đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu... Nhờ đó, nhiều DN dần khôi phục hoạt động và ổn định sản xuất, kinh doanh, ký kết được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết quý II, thậm chí là quý III năm nay. Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đạt 19,6 triệu sản phẩm may, tăng 2,3% so với cùng kỳ, vượt 1,5% kế hoạch năm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu may đạt trên 92,3 triệu USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ. 

Trong quý I-2021, sản phẩm điện thoại thông minh được sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 21,6 triệu chiếc, tăng 9,4% cùng kỳ. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ở Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên).

Ông Đỗ Ngọc Tuyến, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT chia sẻ: Cùng với sự chủ động của DN thì công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt đã tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài tìm đến chúng tôi để ký kết hợp đồng may xuất khẩu. Với Công ty chúng tôi, ngay từ đầu năm đơn vị đã ký kết được các đơn hàng đến hết quý III-2021. Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu sản xuất và tiêu thụ của Công ty ước đạt 55 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. 

Tương tự, tại Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco (Đại Từ), ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã ký kết được các đơn hàng đến hết tháng 9-2021. Để bảo đảm tiến độ giao hàng, từ đầu năm đến nay, 22 chuyền may với hơn 1.300 lao động của Công ty đã hoạt động 100% công suất. 

Cùng với nhóm ngành may mặc, các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đạt mức tăng trưởng khả quan. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Xi măng La Hiên phấn khởi: Đối với đơn vị chúng tôi, trung bình mỗi ngày sản lượng xi măng tiêu thụ đạt từ 30.000 - 40.000 tấn, tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Công ty TNHH Ân Hường ở T.P Sông Công (chuyên kinh doanh, phân phối sản phẩm gạch ốp lát), ông Lê Đức Ân, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang phân phối gạch ốp lát của Tập đoàn Prime tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng, với trên 400 đại lý. Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty đạt gần 12 tỷ đồng, vượt 5 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, nộp ngân sách Nhà nước 80 triệu đồng. Hiện nay, Công ty bảo đảm việc làm cho trên 50 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. 

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, một số sản phẩm chủ lực đạt mức tăng trưởng cao như điện thoại thông minh đạt 21,6 triệu sản phẩm, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái; vonfram và sản phẩm của vonfram đạt 4 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 90,3%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,3%... Tuy vậy, trong quý I-2021 vẫn có một số ngành gặp khó khăn như: Khai khoáng giảm 15%; cung cấp nước, quản lý, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,7%...

Theo ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh triển khai thực hiện tốt đã tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật DN năm 2020 và nhiều hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực đã góp phần tạo cơ chế thuận lợi cho các DN phát triển. Tuy vậy, vẫn có nhiều DN gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu vẫn chưa được phục hồi... Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tăng trưởng, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến công, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho các DN; phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư để tháo gỡ, giải quyết khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư, mở rộng dự án... 

Cũng theo nhận định của lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian tới, nhiều dự án sẽ đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 2 (Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng) và Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar (Công ty Trina Solar Energy Development Pte Ltd); Dự án MDF Dongwha Việt Nam của nhà đầu tư Dongwha Enterprise CO, LTD (Hàn Quốc) đặt tại Khu công nghiệp Sông Công II. Cùng với đó, nhiều cụm công nghiệp (CCN) mới sẽ được hình thành, như: CCN Bảo Lý - Xuân Phương (Phú Bình), CCN Sơn Cẩm I (T.P Thái Nguyên), CCN Bá Xuyên (T.P Sông Công) hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Cường