Theo Nhà Trắng, một phái đoàn do Đặc phái viên Mỹ về Iran Rob Malley dẫn đầu hiện cũng có mặt tại Vienna để tham gia gián tiếp vòng đàm phán thứ 3.
Sau cuộc gặp giữa các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân ngày 28-4, Đại sứ Nga tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - ông Mikhail Ulyanov cho biết, các bên đã nhất trí đẩy nhanh các nỗ lực để đưa Mỹ và Iran trở lại việc tuân thủ các nội dung trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Đại sứ Trung Quốc Vương Quân (Wang Qun) cũng bày tỏ hy vọng tất cả các bên sẽ duy trì động lực đã đạt được trong các vòng đàm phán trước đó, nhằm hướng tới một giải pháp sớm nhất cho vấn đề này.
Tuy nhiên, vòng đàm phán này vẫn được dự báo diễn ra không hề dễ dàng và không ai biết tiến trình đàm phán để khôi phục thỏa thuận tại Vienna sẽ kéo dài trong bao lâu.
Trước khi bắt đầu vòng đàm phán thứ 3, Trưởng đoàn đàm phán Iran – Thứ trưởng Abbas Araqchi khẳng định, Tehran sẽ không chấp nhận bị gây sức ép trong tiến trình đối thoại. Ông cho biết, nếu Iran cảm thấy các đối tác không nghiêm túc, có ý đồ “câu giờ” hoặc đưa thêm các vấn đề khác vào quá trình thảo luận, Iran sẽ ngừng đàm phán ngay lập tức. Quan điểm kiên định của Iran – mà đứng đầu là Lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei vẫn là Mỹ phải dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt, Iran mới khôi phục lại cam kết.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, tiến trình đàm phán đang đạt tiến bộ nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran. Trong đó, sự khác biệt chính là biện pháp trừng phạt nào Mỹ cần dỡ bỏ và Iran cần thực hiện bước đi nào để tiếp tục tuân thủ những cam kết nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của mình.
Hơn thế nữa, Iran trước đó còn tuyên bố sẽ làm giàu urani lên mức 60% cũng khiến các bên quan ngại. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Chúng tôi không ủng hộ và không nghĩ rằng việc Iran tuyên bố sẽ chuyển sang làm giàu urani lên 60% là có ích. Mặc dù vậy, chúng tôi rất vui mừng khi Iran tiếp tục đồng ý tham gia vào các cuộc đàm phán về việc quay trở lại thoả thuận hạt nhân ký năm 2015. Tôi nghĩ còn quá sớm để đưa ra phán đoán về kết quả sẽ như thế nào , nhưng chúng tôi vẫn đang nói chuyện.”
Dù đang đàm phán, song căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn không ngừng gia tăng. Ngày 27-4, Mỹ xác nhận 3 tàu tấn công nhanh thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo đã áp sát ở khoảng cách hơn 60m đối với hai tàu tuần tra của hải quân Mỹ đang hoạt động ở vùng biển quốc tế ở phía Bắc vịnh Ba Tư. Các thành viên trên hai tàu tuần tra Mỹ đã nhiều lần sử dụng loa và điện đàm để cảnh báo trước khi cuối cùng buộc phải bắn cảnh cáo các tàu của Iran. Đây là lần chạm trán thứ hai ở mức độ rủi ro cao giữa các tàu hải quân hai nước trong vòng 1 tháng.
Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiếp tục bày tỏ quan ngại về những tiến bộ mà chương trình hạt nhân Iran đã đạt được và sức ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực với người đồng cấp Israel Ben Shabba – đang ở thăm Mỹ.
Hiện 3 nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức cùng Nga và Trung Quốc khuyến khích tất cả các bên nắm bắt cơ hội ngoại giao đang có tại Áo và lên án bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng có thể gây nguy hiểm cho những tiến bộ đã đạt được trong đàm phán./.