Cập nhật: Thứ bẩy 01/05/2021 - 08:00
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sở, ngành liên quan tiếp, làm việc với đại diện Tập đoàn FLC, tháng 3-2021. (Ảnh: Lăng Khoa).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sở, ngành liên quan tiếp, làm việc với đại diện Tập đoàn FLC, tháng 3-2021. (Ảnh: Lăng Khoa).

Cùng với các doanh nghiệp hiện có đang phát huy tốt nội lực, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, việc các nhà đầu tư lớn ở cả trong và ngoài nước tìm đến Thái Nguyên ngày một nhiều là những tín hiệu rất tích cực từ môi trường đầu tư của tỉnh. Kết quả đó không chỉ bởi “thiên thời, địa lợi” mà còn là sự nỗ lực, kiên trì của các cấp, ngành chức năng trong suốt những năm qua nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển.

Thái Nguyên đang là địa phương hội tụ nhiều yếu tố để có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng. Tỉnh nằm trong vùng Thủ đô, trung tâm của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu công nghiệp, giao thông được quan tâm đầu tư nhiều năm qua đã tương đối đồng bộ, hiện đại, tạo liên kết khá dễ dàng với các vùng lân cận và đầu mối giao thông lớn; có nguồn lao động dồi dào vì là trung tâm giáo dục lớn thứ 3 cả nước; nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú… Đó là những yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư mà không phải địa phương nào cũng có.

Từ vị thế là một trong những “chiếc nôi” của ngành Công nghiệp nặng, đến khi Tập đoàn Samsung xây dựng “cứ điểm” sản xuất lớn nhất thế giới của họ tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình, năm 2013, Thái Nguyên nhanh chóng vươn lên tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Việc thu hút được tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung là minh chứng rất rõ ràng cho những lợi thế về tiềm năng, vị trí và nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Tổ hợp Samsung Thái Nguyên không những tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp lớn vào ngân sách và thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ phát triển mà còn đóng vai trò như một “cực nam châm” khổng lồ, hút các nhà đầu tư lớn cả trong vào ngoài nước đến với tỉnh. Riêng sản xuất phụ trợ cho Samsung, hiện đã có khoảng 150 dự án đang và sẽ hoạt động tại Thái Nguyên.

Một dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu B – Khu công nghiệp Điềm Thụy, bắt đầu triển khai xây dựng nhà xưởng.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, với quan điểm nhất quán là thân thiện, đồng hành với DN, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đó là việc xây dựng, áp dụng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN và miễn thuế xuất, nhập khẩu đối với từng trường hợp cụ thể. Với những dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, tỉnh phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ DN đào tạo, tuyển dụng lao động, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đảm bảo an ninh trật tự, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân, DN được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm… đã khiến môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh ngày càng “ghi điểm” tốt; Chỉ số Năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh có khoảng 3.700 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 27.000 tỷ đồng; thu hút được 352 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 60.000 tỷ đồng. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng năm 2020, tỉnh vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 4,24%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với năm trước… 

Tiếp nối thành công của giai đoạn trước, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục xác định công tác cải thiện môi trường đầu tư, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi là một nhiệm vụ quan trọng và được quan tâm thường xuyên. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng nhiều chương trình, đề án về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính… Trong đó có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, khẳng định sự đồng hành của chính quyền trong việc tạo điều kiện thuận lơi nhất cho DN.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết: Theo chỉ đạo của tỉnh, hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư ngày càng được các cấp, ngành liên quan phối hợp triển khai theo hướng đổi mới, chuyên nghiệp, tích cực và chủ động hơn. Chúng tôi chủ động tiếp cận, liên hệ với những nhà đầu tư lớn, có uy tín và triển vọng, cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin về môi trường đầu tư của Thái Nguyên cho họ tìm hiểm; sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và cùng đại diện nhà đầu tư đi khảo sát thực địa.

Chỉ tính từ cuối năm 2020 đến nay (thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới, 2020-2025) đã có hơn 10 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tỉnh, với tổng số vốn đăng ký trên 9.000 tỷ đồng. Hàng loạt nhà đầu tư lớn ở cả trong và ngoài nước đã và đang quan tâm, tìm hiểu và quyết định đầu tư vào Thái Nguyên, như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, Công ty CP Đầu tư bất động sản Saigontel, Công ty CP Flamingo Holding Group, Công ty CP Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC… Ông Trần Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh bày tỏ: Chúng tôi ấn tượng với môi trường đầu tư tại Thái Nguyên, với sự cởi mở, đồng hành của chính quyền.

Dù còn những hạn chế cần khắc phục nhưng rõ ràng môi trường đầu tư của tỉnh đang ngày càng được cải thiện, tích cực, thân thiện, thuận lợi hơn cho DN sản xuất, kinh doanh. Kết quả đó cần được duy trì, phát huy hơn nữa bằng nỗ lực, kiên trì của nhiều cấp, ngành liên quan và sự đồng thuận của người dân.

Trần Quyền