Cập nhật: Thứ hai 17/05/2021 - 09:13
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình CCB Phạm Văn Cương, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) cho thu lãi từ 150-200 triệu đồng/năm (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình CCB Phạm Văn Cương, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) cho thu lãi từ 150-200 triệu đồng/năm (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Khe Mo (Đồng Hỷ) đã triển khai hiệu quả phong trào giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế. Từ phong trào thi đua này đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Đồng chí Trần Văn Ngoan, Chủ tịch Hội CCB xã Khe Mo khái quát: Hội CCB xã Khe Mo có 448 hội viên, trong đó, trên 50% ở độ tuổi từ 40-70. Hội có 95 người là đảng viên trong đó, 65 đồng chí hiện đang giữ cương vị bí thư, trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận xóm… Đây là điều kiện thuận lợi để Hội CCB xã triển khai các phong trào, hoạt động công tác hội, đặc biệt là phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. 

Để thúc đẩy phong trào phát triển, Hội CCB xã Khe Mo đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo từng năm; tập trung nguồn vốn chính sách ưu đãi, vốn đóng góp của hội viên để tạo điều kiện cho các CCB nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Giai đoạn 2016-2021, toàn xã có 145 hội viên CCB được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua sắm tư liệu sản xuất, đầu tư máy móc, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi. Để giúp hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, Hội CCB xã đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Với sự hỗ trợ, động viên của Hội, nhiều CCB đã mạnh dạn đưa những mô hình mới, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả, giai đoạn 2016-2021, toàn Hội đã xây dựng được 2 mô hình tập thể giúp nhau giảm nghèo là mô hình cho mượn đất để trồng rừng ở xóm Làng Cháy và mô hình góp vốn xoay vòng. Đến nay, xã Khe Mo có 5 hộ hội viên CCB chăn nuôi gà theo quy mô trang trại, 15 hộ hội viên CCB phát triển trồng cây ăn quả quy mô trên 1ha cho thu nhập từ 150-400 triệu đồng/năm... 

Điển hình như gia đình CCB Phạm Văn Cương ở xóm Làng Cháy. Cách đây 5 năm, ông mạnh dạn chuyển 0,3ha đất đồi sang trồng các loại cây ăn quả như: Ổi, bưởi, nhãn; chuyển hơn 0,4ha ruộng trũng, thấp thành ao nuôi cá, tận dụng bờ bãi trống để trồng cỏ làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, ông san đất đồi để trồng hơn 0,5ha chè chất lượng cao, nuôi trên 200 thùng ong và trồng 2ha rừng keo… Nhờ năng động trong phát triển kinh tế, mỗi năm, trừ chi phí vợ chồng ông Cương thu khoảng 150 triệu đồng. 
Hay như CCB Hà Văn Bé ở xóm Ao Rôm. Dù đã hơn 70 tuổi song ông vẫn miệt mài, say mê lao động. Gia đình ông hiện có hơn 2ha đất trồng các loại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi vịt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Bé cho biết: Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, tôi đã chia sẻ kiến thức trồng cây ăn quả, chăn nuôi và cung cấp giống cho nhiều CCB khác ở địa phương. 

Nhờ hiệu quả từ phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, Hội CCB xã Khe Mo đã hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hội viên hàng năm. Tính đến hết quý I-2021, toàn hội có 17/23 hộ hội viên thoát nghèo, số hội viên thuộc hộ cận nghèo từ giảm từ 35 (năm 2016) xuống còn 7 hộ (năm 2020), toàn xã có 183 hộ CCB có điều kiện kinh tế khá, 150 hộ giàu. 5 năm qua, Hội đã xóa được 5 nhà tạm, hiện không còn nhà dột nát. Cũng từ phong trào này, Hội CCB xã Khe Mo có điều kiện thực hiện nhiều hoạt động như: Hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho hội viên trị giá 50 triệu đồng, ủng hộ gần 80 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học và đồng bào bị thiên tai lũ lụt, giúp đỡ hội viên nhiễm chất độc da cam…

Ông Vũ Văn Hoàn, Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Hỷ đánh giá: Hội CCB xã Khe Mo là đơn vị đi đầu của huyện trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và đã được Hội CCB các cấp và địa phương ghi nhận. Các hoạt động của Hội đã khơi dậy tinh thần vượt khó, đoàn kết, tương thân tương ái trong các CCB, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lưu Phượng