Cập nhật: Thứ tư 19/05/2021 - 07:46
Di tích đồi Khau Tý - nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa - nằm trong khuôn viên đẹp, được quản lý và chăm sóc chu đáo (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Di tích đồi Khau Tý - nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa - nằm trong khuôn viên đẹp, được quản lý và chăm sóc chu đáo (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Trong những ngày tháng Năm lịch sử, cả dân tộc nhớ về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Và với người dân xã Điềm Mặc (Định Hóa), tháng Năm này còn có ý nghĩa đặc biệt hơn cả, bởi tròn 74 năm về trước (20/5/1947), Bác đã chọn đây là nơi đầu tiên để ở và làm việc, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi từ Thủ đô Hà Nội về ATK Định Hóa.

Gần đến ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ma Đình Biên, Bí thư Chi bộ Bản Quyên cùng tập thể đảng viên trong xóm tổ chức trọng thể lễ dâng hương, báo công tại Di tích Chủ tịch Hồ chí Minh ở đồi Khau Tý. Trong số rất nhiều phần việc, có nội dung quan trọng là báo cáo với Bác tiến độ triển khai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn. Ông Biên chia sẻ: Di tích đồi Khau Tý là niềm tự hào lớn của người dân địa phương. Cứ mỗi dịp lễ, tết hoặc tổ chức sự kiện chính trị quan trọng, chúng tôi đều đến thắp hương và báo cáo lên Bác.

Khau Tý được coi là “Phủ Chủ tịch” đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại ATK Định Hóa. Ngược dòng lịch sử về lại 74 năm trước, vào đêm 19, rạng sáng ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 chiến sĩ cảnh vệ đến xã Điềm Mặc. Người nghỉ tại nhà sàn của ông Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Định Hóa. Ngày hôm sau, Bác chuyển lên lán nhỏ trên đỉnh đồi Khau Tý. Với địa hình cao, cây cối rậm rạp, có con đường mòn ra Quảng Nạp, đi Sơn Dương (Tuyên Quang), xuống Đại Từ, ra Phú Lương, lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) nên nơi đây rất thuận lợi cho các hoạt động cách mạng. Bác Hồ đã ở và làm việc tại Điềm Mặc trong thời gian từ ngày 20-5 đến tháng 11-1947. Đây cũng là nơi Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng.

Chị Đỗ Thị Nha Trang, hướng dẫn viên của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa tận tình giới thiệu cho chúng tôi những hiện vật, tư liệu lịch sử quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn nhà sàn 5 gian ở chân đồi Khau Tý. Rồi chị dẫn chúng tôi men theo con đường rợp bóng mát bởi hàng cọ và những cây cổ thụ để lên căn lán nhỏ nơi Bác làm việc trên đỉnh đồi. Từ đây có thể nhìn bao quát cánh đồng lúa xanh mát cùng dòng suối Đình ẩn hiện phía xa. “Từ nhiều năm nay, nơi đây luôn có một cán bộ chuyên trách trực dọn dẹp và hướng dẫn cho du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử.” - chị Trang nói.

Cơ bản các tuyến đường trục xóm trên địa bàn xã Điềm Mặc đã được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đã đến xã Điềm Mặc nhiều lần, với chúng tôi, điều ấn tượng hơn cả về nơi đây là cảnh sắc nông thôn tươi đẹp và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Ngay như ở xóm Bản Quyên, hầu hết gia đình đều chủ động xây bể hoặc có thùng thu gom nên không hề có rác thải trên đường hoặc khu vực sản xuất. Khuôn viên các di tích lịch sử cũng luôn sạch sẽ và giữ được cảnh quan thiên nhiên. Ông Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc thông tin: Xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn nguyên trạng cảnh quan tại các khu di tích, nhất là bảo vệ rừng cọ - hình ảnh đặc trưng của ATK Định Hóa. Ngoài nhân viên của Ban Quản lý di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa phụ trách các di tích cấp Quốc gia, ở các điểm di tích lẻ, xã đều giao cho các đoàn thể và trường học thường xuyên quét dọn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giáo dục truyền thống.

Theo chỉ dẫn của đồng chí Chủ tịch UBND xã, chúng tôi chạy xe máy chầm chậm trên những tuyến đường bê tông uốn lượn qua các xóm Bình Nguyên, Phụng Hiển, Đồng Vinh rồi Bản Bắc, Đồng Lá. Những ruộng lúa, nương chè xanh mướt cùng không khí lao động sản xuất hăng say của người dân đều cho thấy một bức tranh nông thôn mới tươi sáng. Ông Ma Đình Soạn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc có lẽ là người hiểu rõ nhất sự thay đổi của quê hương mình. Ông bảo: So với khoảng chục năm về trước, điều kiện kinh tế - xã hội của Điềm Mặc đã khác rất nhiều. Các tuyến đường trục xóm, thậm chí đường nhánh và nội đồng được đổ bê tông, cơ giới hóa từng bước giải phóng việc lao động chân tay. Mặc dù vẫn nằm trong nhóm các xã nghèo nhưng thu nhập bình quân ở xã Điềm Mặc đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây chè hay dịch vụ nông nghiệp...

Năm 2020, Đảng bộ xã Điềm Mặc tổ chức đại hội lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đúng vào ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó như một sự nhắc nhớ và tri ân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Một nhiệm kỳ mới đã bắt đầu, dù còn những khó khăn nhất định nhưng với điểm tựa là truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền vững mạnh và sự đồng lòng của người dân, Điềm Mặc chắc chắn sẽ tạo được sức bật mạnh mẽ hơn nữa đúng như mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.

Xuân Hòa