Đáng báo động
Tháng 4/2020, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện một quán karaoke tại thành phố Phúc Yên hoạt động trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Trong số 43 người ca hát, nhảy múa ở 4 phòng karaoke có 37 người (đa số là thanh niên) dương tính với chất ma túy.
Tại Hà Nội, tháng 9/2019, 7 học sinh, sinh viên, thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc điện tử “Trip to the Moon” diễn ra tại công viên nước hồ Tây (Hà Nội) do sử dụng ma túy tổng hợp.
Tại T.P Hồ Chí Minh, hàng trăm quán bar, vũ trường, quán bia, các loại hình câu lạc bộ... đều có thể trở thành tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy. Theo một lãnh đạo Công an T.P Hồ Chí Minh,, đối tượng này ngày càng trẻ hóa và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy. Qua điều tra ban đầu, thanh thiếu niên có độ tuổi từ 16 - 28 chiếm 80% lượng khách thường xuyên đến các vũ trường, quán bar và nhiều người trong số đó sử dụng ma túy.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh, Trần Lưu Quang từng cho biết, chưa bao giờ mua ma túy tại các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường lại dễ dàng như hiện nay.
Vì đâu nên nỗi?
Không ít thanh thiếu niên đến nay vẫn cho rằng các loại ma túy tổng hợp không phải ma túy hoặc cùng lắm nó chỉ kích thích thoáng qua cho những cuộc vui liên hoan, sinh nhật. Hơn thế, nhiều người còn cho rằng, ma túy tổng hợp giúp giảm cân, tỉnh táo, giảm mệt mỏi do làm việc nhiều, nhất là khi ôn thi căng thẳng, lại không lên cơn nghiện, không vật vã như thuốc phiện, heroin… Rất nhiều thanh thiếu niên trở thành người nghiện bắt đầu từ những lần đầu tiên sử dụng ma túy ở các nhà hàng.
Giới trẻ cũng thường mất cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm như như lợi dụng sự phát triển mạng internet để quáng cáo, môi giới, tổ chức thành sử dung ma túy. Tội phạm ma túy cũng rất giỏi nắm bắt tâm lý giới trẻ khi cho ma túy vào trà sữa, nước xoài; chế ra bùa lưỡi tem giấy, nước vui với hình thức “bắt mắt, hấp dẫn”. Biết tính tò mò, hiếu kỳ của thanh thiếu niên, chúng cho dùng thử, khuyến mại, lần đầu không lấy tiền hoặc gán nợ bằng tài sản…
Theo một điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (Viện PSD), trong số những người sử dụng ma túy có 65% dùng do tò mò, 27% do bạn bè rủ rê, 8% do bị lừa dùng.
Tội phạm ma túy còn sử dụng “vệ tinh” đến khu vực trường học quan sát để phát hiện các học sinh chơi bời, sống buông thả, gia đình khá giả hoặc có vấn đề trục trặc, thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý… để lôi kéo, dụ dỗ các em sử dụng ma túy. Sau đó thông qua các học sinh đã nghiện, dụ dỗ, lôi kéo bạn bè khác đến với ma túy, càng nhiều người càng được thưởng nhiều ma túy theo kiểu “bán hàng đa cấp”.
Khi không có kỹ năng nhận biết, phân biệt các loại ma túy, cơ chế gây nghiện và tác hại của chúng, nhận biết hành vi, thủ đoạn của bọn người xấu, đặc biệt là không được phổ biến, giáo dục một cách bài bản, căn cơ các kỹ năng sống và kỹ năng phòng ngừa ma túy tích cực thì thanh thiếu niên sẽ thiếu lá chắn tin cậy, luôn “giơ mình” ra trước nanh vuốt ma túy, lúng túng trước các thử thách, thiếu bản lĩnh để vượt qua, chiến thắng bản thân khi đối diện với ma túy.
Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh còn tiêm nhiễm lối sống đua đòi, hưởng thụ, chểnh mảng học hành, lấy sử dụng ma túy làm thước đo “thời thượng” của sự ăn chơi, thể hiện với bạn bè.
Hàng năm, hàng triệu học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học cao đẳng có thể được tham gia các chương trình ngoại khóa về phòng chống ma túy thông qua các cuộc mít tinh, nói chuyện chuyên đề, phổ biến kiến thức, sinh hoạt tập thể… với thời gian thường là 1 buổi/năm, chủ yếu nghe chủ trương, chính sách, pháp luật, tác hại của ma túy, nhiệm vụ của thanh niên, học sinh… Với cách làm đó là không đủ thời gian, nội dung nghèo nàn, rập khuôn, ít tác dụng phòng ngừa căn bản.
Tình trạng phòng ngừa ma túy tại nơi làm việc, ở cộng đồng hay cho phụ huynh cũng tương tự như trong trường học. Thanh niên làm việc tại công ty, nhà máy, xí nghiệp, có bao nhiêu người hàng năm được chủ doanh nghiệp, thay vì quan tâm dành thời gian tổ chức tư vấn, hướng dẫn phòng ngừa ma túy bài bản cho người lao động mà chỉ tập trung phát triển doanh thu, lợi nhuận hoặc quá "tôn trọng" cuộc sống riêng tư của mỗi nhân viên, không làm gì ngay cả khi họ có những biểu hiện sinh hoạt khác thường liên quan đến sử dụng ma túy.
Không nên trách các bậc phụ huynh, cha mẹ khi bất ngờ bị phát hiện con em mình sau khi đã sử dụng ma túy thời gian dài vì bản thân họ cũng không được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy, làm thế nào bảo vệ con em mình. Nhiều ông bố, bà mẹ luôn tự tin vào hạnh kiểm của con mình. Ma túy có là hiểm họa của thế hệ trẻ nhưng là ở đâu, với con nhà ai chứ không phải con em mình. Đến khi được cơ quan chức năng thông báo “cháu nó nghiện”, thậm chí tiếp tay bán ma túy mới ngã ngửa và không tin vào sự thật."Tôi vẫn thường răn dạy cháu, hãy tránh xa ma túy, nó nguy hiểm lắm đấy". Và vốn liếng kiến thức dạy con em phòng ngừa ma túy cũng chỉ có bấy nhiêu.
Khoảng trống, lỗ hổng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho giới trẻ thực sự còn rất lớn, cần thiết phải lấp đầy nếu muốn thay đổi căn bản tình hình.
Đấu tranh chống tội phạm ma túy: Phải thường xuyên, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa
Bên cạnh việc trang bị kiến thức phòng tránh cho giới trẻ, các lực lượng chức năng cần ngăn chặn, xử lý kịp thời các nhà hàng hoạt động có giấy phép nhưng tìm đủ chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng chèo kéo khách sử dụng chất gây nghiện.
Về chủ quan, có thể nhận thấy, ở nhiều nơi, việc phân công, phân cấp kiểm tra, giám sát nhà hàng của cơ quan chức chưa thường xuyên và hiệu quả, chế tài xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Mặt khác, khó khăn trong việc quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường, quán bar là quy định pháp luật chưa đầy đủ. Các quy định về điều kiện kinh doanh cũng chưa rõ ràng, tạo điều kiện cho các đối tượng lách luật; nhất là các tụ điểm được phép kinh doanh cà phê, nhà hàng, nhưng cố tình thiết kế giống quán bar, vũ trường rồi trang bị âm ly, loa thùng với công suất cực mạnh để hoạt động như quán bar, vũ trường thực thụ.
Như vậy, về tổng thể,để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, giảm người nghiện trước hết phải ngăn chặn có hiệu qủa, phải cắt đứt được nguồn cung ma túy xâm nhập vào nước ta, các mắt xích buôn bán nội địa, làm vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy trong nhà hàng .
Để làm được điều đó,bên cạnh việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật thì lực lượng chủ chốt là công an các cấp cần được đầu tư, tăng cường về mọi mặt về số lượng, nghiệp vụ, phương tiện, tâm huyết với nghề nghiệp, đặc biệt làm hết trách nhiệm với nhiệm vụ phòng chống ma túy, phối hợp chặt chẽ các lực lượng với sự tham gia, phát huy vai trò của đoàn thể xã hội, quần chúng nhân dân trên địa bàn.