Cập nhật: Thứ hai 31/05/2021 - 16:15
Hiện nay, anh Huỳnh và những người thợ đã phục dựng được 20 nhà gỗ, nhà sàn của một số dân tộc Việt Nam trên khuôn viên rộng 20ha của gia đình..
Hiện nay, anh Huỳnh và những người thợ đã phục dựng được 20 nhà gỗ, nhà sàn của một số dân tộc Việt Nam trên khuôn viên rộng 20ha của gia đình..

Đến xóm Đèo Nhe, xã Thành Công (T.X Phổ Yên), chúng tôi được chiêm ngưỡng những ngôi nhà gỗ của không ít dân tộc Việt Nam được phục dựng khá kỳ công, tạo nên điểm nhấn giữa không gian xanh mướt của đồi núi. Đây là thành quả của anh Nguyễn Hữu Huỳnh (sinh năm 1985), người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc qua những nếp nhà.

Được “mục sở thị” những ngôi nhà gỗ truyền thống Bắc Bộ, nhà sàn của dân tộc Cao Lan, Tày, Nùng… được phục dựng tại khuôn viên của gia đình anh Huỳnh, chúng tôi bị cuốn hút bởi những nét hoa văn được chạm khắc tinh tế trên các phần xà, mái, cột. Anh Huỳnh chia sẻ: Từ khi còn là sinh viên của Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với các loại gỗ. Trong quá trình đi thực tế ở các tỉnh, được sống trong chính những ngôi nhà gỗ, nhà sàn của người dân, tôi không khỏi tiếc nuối khi thấy nét đẹp văn hóa của dân tộc đang dần mai một. Bởi lẽ, cuộc sống ngày càng phát triển, người dân có xu hướng thay thế nhà gỗ bằng những ngôi nhà xây dựng bằng gạch, lợp mái ngói.

Với mong muốn tạo ra một nơi để mọi người đến tìm hiểu những nét văn hóa của dân tộc mình mà không phải đi đâu xa, tôi quyết định mua thêm đất để mở rộng khuôn viên của gia đình lên hơn 20ha, sưu tầm các mẫu kiến trúc nhà gỗ về phục dựng. Năm 2007, ngôi nhà sàn của dân tộc Cao Lan, tỉnh Tuyên Quang đã được phục dựng nguyên bản và cũng là ngôi nhà gỗ đầu tiên trong vùng, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. 

Anh Nguyễn Hữu Huỳnh cũng tập hợp được khoảng 50 thợ mộc giỏi, am hiểu sâu sắc về văn hóa của dân tộc ở nhiều nơi, hỗ trợ anh trong việc phục dựng.

Với kiến thức được học về lâm nghiệp, lại đang làm việc tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.X Phổ Yên, ngoài việc kinh doanh đa dạng cây giống, anh Huỳnh còn đầu tư chăn nuôi gà, dê mang lại hiệu quả kinh tế. Với số tiền tích lũy được, một phần để trang trải cuộc sống gia đình, phần còn lại anh dành để phục vụ niềm đam mê nhà gỗ của mình. Khi người dân các nơi muốn bán hoặc tháo dỡ nhà gỗ để làm nhà mới, anh đều kết nối để mua lại với giá dao động từ 150 triệu đến trên 500 triệu đồng/nhà. Đến nay, anh đã phục dựng được 20 nhà gỗ, nhà sàn của một số dân tộc. Những năm gần đây, gia đình anh đã đón tiếp khá nhiều đoàn khách tự do ở trong nước cũng như nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm miễn phí.  

Theo anh Huỳnh, mỗi dân tộc có kiến trúc nhà gỗ, nhà sàn với những họa tiết thay đổi phù hợp ở từng giai đoạn lịch sử, do vậy những năm qua, anh đã dành không ít thời gian đi thực tế, nghiên cứu các tài liệu liên quan để tìm hiểu, sưu tầm. Đến nay, chỉ cần nhìn hoa văn khắc họa trên gỗ anh có thể biết được của dân tộc nào, niên đại của công trình. Ví dụ như, nhà gỗ của dân tộc Cao Lan (tỉnh Tuyên Quang) thường có kiến trúc 3 gian 2 chái, có 8 cây cột cái; nhà gỗ của dân tộc Tày, Nùng (tỉnh Cao Bằng) kết cấu thường có 36 cột, trong đó 28 cột chính và 8 cột phụ… Đến với mỗi vùng, miền, ngoài việc tìm hiểu, nghiên cứu các mẫu kiến trúc nhà gỗ, anh cũng tập hợp một số thợ mộc giỏi, am hiểu sâu sắc về văn hóa của dân tộc ở chính nơi đó thành lập một nhóm có cùng sở thích (khoảng 50 người), hỗ trợ anh trong việc phục dựng.

Anh Nguyễn Hữu Huỳnh giới thiệu về ngôi nhà sàn dân tộc đang trong quá trình phục dựng tại khuôn viên của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Bình, một trong những người thợ đã cùng anh Huỳnh tham gia công việc phục dựng hơn 10 năm nay cho biết: Mỗi ngôi nhà được phục dựng thường kéo dài vài tháng hoặc mất cả năm trời vì đòi hỏi kỹ thuật cao và rất tỉ mỉ. Trước khi làm, chúng tôi phải tư duy nhiều mẫu hoa văn ở từng thời kỳ lịch sử để hiểu biết cặn kẽ giá trị của ngôi nhà và cả phong tục truyền thống thì mới biểu đạt lại được ý nghĩa của từng loại kiến trúc. Bằng sự tâm huyết và am hiểu nhất định, mỗi ngôi nhà khi qua phục dựng đạt 80-90% giá trị cũ.  
     
Nhìn lại thành quả hơn 10 năm không ngừng nỗ lực, anh Huỳnh chia sẻ với chúng tôi bằng niềm tự hào: Dù mất khá nhiều thời gian và công sức, khi vừa phải hoàn thành công việc cơ quan, lại bận bịu với đội thợ trong công tác phục dựng, song niềm đam mê với nhà gỗ trong tôi chưa bao giờ giảm đi. Để có thành quả ngày hôm nay, ngoài việc được gia đình, người thân luôn tin tưởng, ủng hộ, tôi còn được bạn bè, đồng nghiệp động viên, hỗ trợ rất nhiều. Công việc này không chỉ giúp tôi được thỏa niềm đam mê về gỗ, quan trọng hơn là tôi cảm thấy rất vui khi mình được góp một phần công sức vào việc gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu phục dựng khoảng 100 kiến trúc nhà gỗ của các dân tộc Việt Nam. Mong muốn một ngày không xa, nơi đây sẽ được xây dựng trở thành khu du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Theo bà Đinh Thị Kim Tuyết, Trưởng Phòng Văn hóa T.X Phổ Yên, thời gian qua, việc phục dựng nhà gỗ của anh Huỳnh đều đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Anh cũng là một trong số ít người trẻ trên địa bàn có niềm đam mê, nhiệt huyết trong việc lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc qua những ngôi nhà gỗ. Hiện nay, T.X Phổ Yên đang thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài, người lao động đến sinh sống và làm việc; địa điểm anh Huỳnh phục dựng nhà gỗ nằm giáp ranh với các điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc như: Tam Đảo, Đại Lải… Đây là những điều kiện thuận lợi để hướng tới phát triển kinh tế du lịch, một hướng đi mới cần được khuyến khích và đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn của thị xã cũng sẽ xem xét, tạo điều kiện cũng như tư vấn những vấn đề liên quan để gia đình anh Huỳnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng…

Phương Huy