Cập nhật: Thứ năm 03/06/2021 - 15:37
Mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch đảm bảo an toàn.
Mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch đảm bảo an toàn.

Hiện nay đang là thời điểm tiêu thụ một số nông sản chủ đạo, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cùng xây dựng, thiết lập mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch bảo đảm an toàn.

Thiết lập mô hình tiêu thụ nông sản an toàn

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mới đây, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên để xây dựng, thiết lập mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch bảo đảm an toàn.

Theo ông Lê Văn Thành - Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tinh thần “Nâng niu giá trị nông sản Việt - kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch”, mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch bảo đảm an toàn sẽ được xây dựng trên 3 trụ cột.

Mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bị ùn ứ tại các địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19 với phương thức tiêu thụ là bán trực tiếp và bán thông qua hệ thống thương mại điện tử giao hàng tận nhà khách hàng.

Phương thức vận hành của mô hình được Bộ NN-PTNT đề xuất là nông sản tại vùng dịch sẽ được thu hoạch, sơ chế, đóng gói với sự chịu trách nhiệm của Sở NN-PTNT hỗ trợ nông dân trước khi đưa ra tiêu thụ. Việc vận chuyển nông sản từ vùng dịch ra nơi tiêu thụ sẽ là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các Sở, chính quyền địa phương bảo đảm hàng hóa không bị tắc nghẽn với sự tham gia của  VNPT Post và Viettel Post…

Hội Nông dân thông báo kịp thời với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương hoặc thông tin trực tiếp đến Bộ về diện tích nông sản sắp thu hoạch mà chưa có đầu ra. Tại các địa phương thiếu hụt lao động do giãn cách đề nghị Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch nông sản.

Các bên phối hợp xây dựng các điểm tiêu thụ nông sản bảo đảm chất lượng và các yếu tố bảo đảm an toàn dịch bệnh thông qua các hình thức: mở điểm bán trực tiếp, nhận đặt hàng qua hệ thống thương mại điện tử; giao nhận hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Tại các điểm bán hàng trực tiếp sẽ hiện diện cả logo của bốn đơn vị và với quy trình mua hàng bảo đảm an toàn dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Thành cho biết, các điểm tiêu thụ nông sản mùa dịch đều được trang bị hệ thống sát khuẩn, bàn đo thân nhiệt; được bố trí khu vực xếp hàng bảo đảm khoảng cách an toàn; quầy thanh toán. Hiện nay, Bộ đang xây dựng khoảng 10 điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 tại Hà Nội và khoảng 10 điểm ở các tỉnh, thành khác.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng cho biết, Trung ương Đoàn đang gấp rút thiết lập các điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 theo mẫu thiết kế của Bộ NN-PTNT. Dự kiến sáng 8-6, 10 điểm bán hàng của Trung ương Đoàn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức hoạt động.

Theo ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân có hơn 700 cửa hàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Hội sẽ đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các điểm tiêu thụ an toàn  phòng dịch COVID-19.

Hướng tới thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông qua sự phối hợp bốn đơn vị sẽ tạo ra hình mẫu về kết nối cung cầu nông sản. Bốn đơn vị sẽ đồng hành để góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lan tỏa mô hình mới, xây dựng hệ sinh thái cùng đồng hành xây dựng nông nghiệp bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nên rất cần có một mô hình kết nối cung - cầu chính quy hơn để làm sao cho nông sản Việt ngày càng tốt lên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, trong tuần tới, Bộ cũng sẽ làm việc với chín doanh nghiệp bán lẻ để có thể thành lập Hiệp hội tiếp thị nông sản Việt Nam. Bộ sẽ cùng hệ thống của mình cung cấp thông tin, dữ liệu về cung; trong đó bao gồm sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch, truy xuất nguồn gốc…, thường xuyên để cho các trung tâm bán lẻ, phân phối lớn xử lý dữ liệu đó và có kế hoạch kết nối chủ động hơn.

Để đảm bảo thông suốt sự kết nối cung cầu này, trong đầu vụ, trách nhiệm của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ước sản lượng sản phẩm. Bộ giao cho Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin cho Hiệp hội để cùng phân tích, xử lý để khi vào vụ sẽ bảo đảm sẽ tiêu thụ hết lượng cung.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng đến lúc nào đó, sự kết nối được cung cầu sẽ có sự minh bạch về thông tin, dữ liệu. Đồng thời, khi chuẩn hóa được nông sản nào đó, bà con cần thay đổi quy trình canh tác bảo đảm chất lượng sản phẩm bởi hệ thống tiêu thụ còn phải có trách nhiệm với người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ sẽ cùng các hợp tác xã, bà con xây dựng quy trình, mã vùng sản xuất để bảo đảm đầu cầu tự tin hơn trong việc tiêu thụ nông sản.

“Mô hình tiêu thụ nông sản của bốn đơn vị phối hợp không chỉ là câu chuyện trong mùa dịch mà hướng tới thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, tạo nên hình ảnh, thương hiệu cho nông sản Việt. Khi đó nông nghiệp mới không còn rủi ro mùa vụ, đứt gãy cung cầu.”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.


Theo NDĐT