Chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính của Nhà nước. Năm 2020, chỉ số này đạt 7,70 điểm, tăng 1,07 điểm xếp thứ 34/63, giảm 4 bậc xếp hạng. Theo Chủ tịch VCCI, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc thì đây là dấu hiệu và kết quả đáng mừng của Thái Nguyên năm 2020. Vì: Đã có 86% cán bộ công chức giải quyết công việc có hiệu quả, có thái độ thân thiện (tăng 8% so với 78% của năm 2019, cao hơn trung bình cả nước, trung bình cả nước là 84%). Nhưng số giờ bình quân cho một cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế là 24 giờ (cả nước là 8 giờ, Thái Nguyên cao gấp 3 lần). Hy vọng tiêu chí này sẽ tiến bộ khi năm 2021 Thái Nguyên quyết liệt chuyển đổi số, xuống trực tiếp doanh nghiệp (DN) sẽ chấm dứt. Còn 7% DN đánh giá việc thanh tra, kiểm tra tạo điều kiện cho cán bộ nhũng nhiễu. 58% DN đánh giá là không phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính.
Chỉ số Chi phí không chính thức tăng 8 bậc, cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong trong 3 năm gần đây. Nhận thức và thái độ của cán bộ, công chức có sự thay đổi rõ rệt, tình trạng nhũng nhiễu trong thực thị công vụ có giảm chút ít. Theo VCCI: Còn 56% DN đánh giá tình trạng phổ biến nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN, tăng 5% so với năm 2019, bằng mức trung bình cả nước (54%). 26% DN xác nhận có chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra. 30% DN cho rằng: Chi phí không chính thức là điều kiện bắt buộc để đảm bảo trúng thầu. Có 30% DN nói tình trạng chạy dự án là phổ biến. Chỉ số này đã có nhưng thay đổi đáng kể, để tiếp tục thực hiện tốt chỉ số này cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hành vi của công chức khi thực thi công vụ, hạn chế việc DN phải trả chi phí không chính thức để đạt được việc mình mong muốn trong kinh doanh.
Năm 2020, Thái Nguyên xếp 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số xếp hạng PCI với 66,56 điểm (tăng hơn 1 hạng so với năm 2019) và là địa phương có chỉ số xếp hạng PCI dẫn đầu trong khu vực miền núi phía Bắc.
Chỉ số Thành phần cạnh tranh bình đẳng, giảm 21 bậc trong thứ tự xếp hạng đạt 45/63 tỉnh, thành (năm 2019 xếp hạng 24/63). Xem xét xu hướng trong 3 năm gần đây có xu hướng biến động tăng giảm về điểm số và thứ tự xếp hạng, VCCI thông tin: 56% DN đánh giá nguồn lực kinh doanh (đất đai, hợp đồng) chủ yếu rơi vào DN thân quen với cán bộ, cơ quan, tương đương mức trung bình cả nước (58%). Có 33% DN cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút DN FDI hơn so phát triển DN tư nhân. Có 47% DN đánh giá ưu đãi DN lớn là trở ngại đối với bản thân DN của họ.
Về chỉ số Tính năng động của chính quyền, năm 2020 chỉ số này đạt 7,39 điểm, tăng 0.84 điểm so với năm 2019, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành, tăng 23 bậc so với năm 2019. Chỉ số này có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số. Trong 3 năm gần đây, chỉ số này đều tăng về số tuyệt đối. Theo kết quả điều tra, đánh giá của VCCI: Có 77% DN đánh giá UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh. Cũng có 77% DN đánh giá có sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp sở/ngành; 58% DN đánh giá lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng nhưng chưa được thực hiện tốt đối với cấp huyện, thị. Có 79% DN đánh giá vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời thông qua đối thoại. Tỷ lệ DN hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của cơ quan Nhà nước tỉnh đạt 89% xếp thứ 9 trong cả nước.
Đối với chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN: Năm 2020 Thái Nguyên xếp thứ 43/63, giảm 4 bậc so với năm 2019. VCCI cho biết kết quả: Chỉ có 0,12% số DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN (đây là chỉ số thấp nhất cả nước). Thực trạng hiện nay cơ chế chính sách về hỗ trợ DN rất nhiều nhưng triển khai thực hiện lại rất hạn chế. Dịch vụ hỗ trợ DN còn quá nghèo nàn. Nguyên nhân của tình trạng này là thiếu nguồn lực, không minh bạch về thủ tục hành chính, điều kiện giải ngân phức tạp qua nhiều cấp.
Chỉ số Đào tạo lao động và tạo việc làm, năm 2020 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước và giảm 2 bậc xếp hạng so với năm 2019 (5/63). Chỉ số này là lợi thế của Thái Nguyên. Theo kết quả điều tra, đánh giá của VCCI: Tỷ lệ DN đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 71%. Tỷ lệ DN đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh, trong đó sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm thuộc khối tư nhân. 92% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của DN (thuộc nhóm tỉnh có tỷ lệ thấp cao nhất cả nước, cao nhất là 99%). Đây là lợi thế lớn của tỉnh năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại DN của tỉnh đạt 64%. Do vậy, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi cấp bách để duy trì chỉ số đào tạo lao động và việc làm.
Về chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, qua 5 năm đều có biến động tăng. Năm 2020, đạt 7,34 điểm, tăng 0,21 điểm so với năm 2019, giữ nguyên thứ hạng xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Phản ánh của chỉ số cho thấy thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, được cộng đồng DN đánh giá cao, tạo sự tin tưởng, yên tâm sản xuất kinh doanh. Còn có 1,79% số DN phải trả tiền “bảo kê” cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn. Có 66% DN đánh giá tình hình an ninh trật tự tại tỉnh là tốt. 95% DN đánh giá tòa án các cấp xét xử các vụ án kinh tế đúng pháp luật.
Qua việc giới thiệu, thống kê và phân tích nêu trên có thể thấy rõ bức tranh về mối quan hệ giữa cộng đồng DN và chính quyền đã sáng sủa, khởi sắc, có tiếng nói chung và cùng nhau đi tới...
(Còn nữa)