Xã Sảng Mộc (Võ Nhai) hiện có 706 hộ với trên 2.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào các DTTS như: Tày, Nùng, Dao, Mông chiếm 99%. Là xã ĐBKK, những năm qua, xã Sảng Mộc đều được hưởng nguồn vốn đầu tư theo Chương trình 135. Đây là một trong những chính sách dân tộc quan trọng góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi ở địa phương và hỗ trợ tích cực giúp đồng bào các DTTS vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng năm 2020, năm cuối cùng thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, xã được đầu tư gần 1 tỷ đồng từ Chương trình 135 để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất.
Ông Nông Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Từ nguồn vốn này, xã đã ưu tiên xây dựng công trình đường giao thông dài hơn 1km từ xóm Nà Lay đi Khuổi Chạo; hỗ trợ 12 con bò sinh sản cho 12 hộ nghèo; hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho 13 hộ; triển khai mô hình trồng cây dược liệu... Tính đến nay, nhờ nguồn vốn từ Chương trình 135 và các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, xã Sảng Mộc đã cơ bản hoàn thành đổ bê tông 100% tuyến đường trục chính từ trung tâm xã đến 10 xóm. Đặc biệt, trong năm 2020, xã đã giảm được 62 hộ nghèo (từ 206 hộ xuống còn 144 hộ).
Tuyến đường trục chính ở xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135 (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Một minh chứng rõ nét hiệu quả của Chương trình 135 trong những năm qua đó là, từ nguồn vốn này các xã ĐBKK đã hoàn thiện được nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến hết năm 2020, toàn tỉnh không còn xã ĐBKK nào đạt dưới 10 tiêu chí, có 6 xã ĐBKK đã về đích NTM, gồm: Cát Nê, Văn Yên, Minh Tiến (Đại Từ); Hợp Tiến (Đồng Hỷ); Bàn Đạt (Phú Bình) và Sơn Phú (Định Hóa). Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến thông tin: Trong qúa trình xây dựng NTM, xã Hợp Tiến nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Chương trình 135, đặc biệt là trong việc hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo. Thông qua nguồn vốn của Chương trình 135, xã đã lồng ghép với các chương trình, dự án khác và nguồn lực của địa phương, xã hội hóa để hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 15% vào cuối năm 2019 xuống còn 6,7% vào cuối năm 2020; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.
Tính đến thời điểm năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn 44 xã ĐBKK được thụ hưởng Chương trình 135. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong năm 2020 là trên 112 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 134 công trình; duy tu, bảo dưỡng 45 công trình; mở 37 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; triển khai 100 dự án phát triển sản xuất; nhân rộng 21 mô hình giảm nghèo...
Nói về công tác triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 135, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định giao vốn tiểu dự án phát triển kết cấu hạ tầng cho các địa phương. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch vốn hàng năm. Ban Dân tộc cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các tiểu dự án nhằm đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ được thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch và có hiệu quả...
Từ thực tế cho thấy, nguồn lực từ Chương trình 135 đã góp phần đồng hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các xã ĐBKK, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã được hưởng Chương trình 135 đã giảm từ 10,8% vào năm 2019 xuống còn 6,8% vào cuối năm 2020; 100% xã ĐBKK có đường ô tô đến trung tâm; 98% các thôn, xóm, bản vùng DTTS có đường giao thông kết nối tới trung tâm xã được cứng hóa; 91% hộ thuộc các xã ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình 135 vẫn còn một số tồn tại như: Việc lồng ghép Chương trình 135 với các chương trình, dự án khác tại một số địa phương còn hạn chế; quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn phức tạp, khó khăn cho việc triển khai thực hiện ở cơ sở...