Cập nhật: Thứ sáu 02/07/2021 - 07:15
Đến nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tự chủ tài chính, bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên trong đơn vị triển khai công việc.
Đến nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tự chủ tài chính, bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên trong đơn vị triển khai công việc.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, biên chế. Qua đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị được nâng cao, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Thu gọn đầu mối

Với mục tiêu sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành đề án và kế hoạch thực hiện riêng. Bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Đề án số 09-ĐA/TU và Kế hoạch số 79-KH/TU của Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc đã chủ động rà soát tổ chức bộ máy, hiện trạng biên chế, xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền quyết định để tổ chức thực hiện. Tiên phong trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải kể đến các cơ quan khối Đảng. Từ ngày 1/8/2018, các đơn vị đã thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Đến nay, các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh đã sắp xếp giảm 20 đầu mối trực thuộc và 27 lãnh đạo cấp phòng, tương đương.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã thực hiện 3 đợt sắp xếp, sáp nhập 1.294 xóm, tổ dân phố, giảm 696 xóm, tổ dân phố (tương đương 22,95%). Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm từ 902 đơn vị (năm 2015) còn 800 đơn vị (giảm 102 đơn vị, bằng 11,3%, vượt 15 đầu mối so với kế hoạch). Tiêu biểu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy là Sở Công Thương. Sau khi sắp xếp lại 8 phòng chuyên môn (sáp nhập Phòng Xuất nhập khẩu vào Phòng Quản lý thương mại; Phòng Quản lý năng lượng vào Phòng Quản lý công nghiệp), Sở giảm được 2 phòng. Đối với 2 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Khuyến công chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính 100%. 

Giảm biên chế vượt chỉ tiêu

Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) chưa đạt trình độ theo yêu cầu và chuyên ngành chưa phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận nhưng không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn và không thể sắp xếp công việc khác. Ngoài các trường hợp nghỉ do không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực công tác chuyên yếu, còn có cả lý do sức khỏe không bảo đảm… 

Sau khi sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố, toàn tỉnh đã giảm trên 2.700 người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, xóm, tổ dân phố (ảnh chụp tại xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình).

Đơn cử như tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2018 đến nay, đã có 12 y, bác sĩ, người lao động tự nguyện làm đơn xin nghỉ. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trung tâm cho biết: Các chính sách liên quan của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với CB, CC, VC, NLĐ do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh được áp dụng đã khuyến khích những đối tượng không bảo đảm đủ điều kiện công tác nghỉ theo chế độ. Từ đó các cơ quan có thể tuyển dụng mới, bố trí CB, CC, VC có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, đáp ứng được yêu cầu công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Theo thống kê của Sở Nội vụ, giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh giảm được 3.226 biên chế, đạt 10,6%, vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Trong số này thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/NĐ-CP là 714 người; nghỉ chế độ theo Nghị quyết số 02/2018/NQ/HĐND của HĐND tỉnh là 693 người. Thông qua việc sắp xếp xóm, tổ dân phố đã giảm 2.719 người hoạt động không chuyên trách ở các địa phương.

Bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Tổ chức, Biên chế và Tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ): Việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế được thực hiện tổng thể, đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn đầu mối, cắt giảm số lượng cấp phó, sắp xếp lại phòng, ban, chi cục và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trên cơ sở đó xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp, sáp nhập xóm, tổ dân phố, xã, phường đã mang lại hiệu quả thiết thực, đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng cũng tăng lên; cán bộ dôi dư sau sắp xếp được giải quyết ổn thỏa, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, mới đây, HĐND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND cho phù hợp với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các đầu mối, tránh chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đội ngũ CC, VC theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo hợp lý. Thực hiện tốt các chính sách đối với CB, CC, VC, NLĐ dôi sư sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy... 

Hằng Nga