Đáp: Những người từng mắc COVID-19 đều có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh. Theo quy định của Bộ Y tế, nhóm người có bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp... cần được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, chỉ có chỉ định tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.
Vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều là vắc xin mới, hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc xin hiện vẫn đang được tiếp tục theo dõi, đánh giá. Vậy nên, hiện chưa có khuyến cáo tiêm nhắc lại đối với vắc xin phòng COVID-19 sau khi đã tiêm đủ 2 liều.
Vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Tuy vậy, không có vắc xin nào có hiệu lực 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc xin vẫn có một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể bị mắc bệnh.
Với trường hợp sau tiêm mà vẫn mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng trên 70% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Các vắc xin phòng COVID-19 hiện đều có hiệu lực từ trên 60% - 95%, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, đây là một vũ khí để chấm dứt đại dịch COVID-19. Cũng như bất kỳ một loại vắc xin khác, vắc xin phòng Covid-19 khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng thông thường và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời.
Cho đến nay, với gần 3,4 triệu liều vắc xin đã sử dụng ở Việt Nam, số trường hợp phản ứng thông thường được ghi nhận vào khoảng 14% - 20% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO.