Kiểm tra cận thị cho trẻ em tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (quận Hà Đông). Ảnh: Xuân Lộc
Những “thủ phạm” gây giảm thị lực
Sau thời gian ở nhà học trực tuyến (online) vì dịch, rồi nghỉ hè, thị lực của em N.M.A (10 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ suy giảm. N.M.A chỉ xem điện thoại, đọc sách một lúc là kêu mỏi mắt; thậm chí, phải ghé sát mắt vào sách mới đọc được… Quá lo lắng, gia đình đưa con đến bệnh viện khám và đo thị lực, các bác sĩ kết luận, N.M.A bị cận 1,5 đi-ốp, phải đeo kính.
Tương tự, dù đã đeo kính cận 2,5 đi-ốp, nhưng sau gần 2 tháng ở nhà vì dịch, em V.T.M (14 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhìn mọi vật xung quanh không rõ nét. Phát hiện sự bất thường, mẹ V.T.M đã đưa con đi khám. Kết quả, V.T.M phải đeo kính cận 3,5 đi-ốp, tăng 1 đi-ốp so với kính cũ.
Còn tại Bệnh viện Đông Đô (quận Đống Đa), trong 10 trẻ tới khám cận thị thì có tới 7-8 trẻ bị tăng độ và phải thay kính.
Bác sĩ Lê Thị Chính, Phó Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, số lượng trẻ em khám mắt do thị lực kém xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn các em phải ở nhà để phòng dịch COVID-19. Nguyên nhân do trẻ liên tục giải trí với các trò chơi trên mạng, xem tivi… Khi hằng ngày trẻ xem tivi nhiều hơn 2 giờ đồng hồ với khoảng cách từ mắt tới màn hình dưới 3m, sẽ làm thị lực suy giảm rất nhanh.
“Ngay cả khi không dùng các thiết bị điện tử, xem ti vi, thì việc trẻ ở trong nhà với không gian hẹp quá lâu, tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực không còn như trước. Trong khi, ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất bên ngoài đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng sức khỏe của mắt, đặc biệt ở trẻ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi”, PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) lưu ý.
Bác sĩ Đinh Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, ngoài việc tiếp xúc ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, gây hại cho mắt thì khi trẻ ở nhiều trong nhà, nhất là với những căn nhà ống, thiếu ánh sáng tự nhiên cũng khiến bị giảm thị lực. “Về nguyên tắc, khi nhìn ở khoảng cách trên 6m, mắt sẽ không phải điều tiết nhiều. Ngược lại, khi không đạt khoảng cách này, mắt buộc phải điều tiết nhiều hơn, kéo theo nguy cơ gây ra tật khúc xạ”, bác sĩ Đinh Phương Thủy phân tích.
Giúp trẻ tăng đề kháng của mắt ngay tại nhà
Một nghiên cứu được tiến hành về thực trạng trẻ bị cận thị tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh và Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ trẻ bị cận thị là 32,8%, viễn thị 0,1% và loạn thị 0,7%. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ bị cận thị ở thành phố cao gần gấp đôi so với trẻ sống ở khu vực nông thôn. Còn theo một thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt trung ương, hiện tật khúc xạ chiếm tỷ lệ 20-30%, tập trung ở đô thị. Tật khúc xạ về mắt, gồm: Cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị chiếm đa số. Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, nhóm trẻ tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn, tỷ lệ cận thị thấp hơn.
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên trẻ phải hạn chế ra ngoài và đây là lý do bất khả kháng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt trung ương) nhận định, trẻ ít tham gia các hoạt động ngoài trời, nhất là ở thành phố, cũng là yếu tố nguy cơ khởi phát cận thị nên cần đến vai trò của các phụ huynh. Chính họ sẽ đồng hành, thực hiện những hướng dẫn cho trẻ để vừa bảo đảm yếu tố phòng, chống dịch vừa giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ cận thị hoặc bị cận thị ở mức độ nặng hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, nên hướng dẫn trẻ tập luyện mắt bằng cách nhìn ra từ cửa sổ, ban công, đặc biệt nhìn ra các khoảng xanh sẽ làm giảm nguy cơ cận thị tăng độ. Các phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở trẻ khi đọc, viết, cần ngồi thẳng lưng, không nên nằm đọc sách, vừa ăn vừa xem tivi…
Để làm chậm sự phát triển của cận thị và tránh các vấn đề về mắt, bác sĩ Lê Thị Chính, Phó Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) khuyến cáo, các bậc phụ huynh định kỳ từ 3 đến 6 tháng cho trẻ đi khám mắt 1 lần và dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho trẻ hoạt động thể chất ngay tại nhà, rời xa máy tính, tivi hoặc điện thoại. Việc dành thời gian giúp trẻ hoạt động thể chất ngay tại nhà đòi hỏi sự kiên trì của các phụ huynh. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con áp dụng quy tắc nghỉ ngơi 20 giây sau 20 phút sử dụng màn hình và hướng ánh mắt nhìn đi nơi khác ở khoảng cách hơn 20m. Bên cạnh đó, thường xuyên nhắc trẻ chớp mắt khi nhìn vào màn hình và cần cho trẻ ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A.