Ông Triệu Văn Kim, Trưởng xóm Thượng Kim cho biết: Hàng chục năm nay, ngày nào nước ở khe Nước Đục cũng đục ngầu bùn đất, bốc lên mùi hóa chất nồng nặc. Nguồn nước ở đây không sử dụng được vào bất cứ công việc gì, vật nuôi không dám uống, không sử dụng được để tưới cây trồng.
Những thửa ruộng ven suối bà con phải bắc máng dài hàng trăm mét để lấy nước từ nơi khác về sản xuất, một số nơi không thể lấy nước đành chuyển sang trồng cỏ hoặc bỏ hoang.
Chị Triệu Thị Hoa, ở xóm Thượng Kim nói: Con đường từ Bản Ná vào xóm Thượng Kim bị chia cắt hơn 30 lần bởi suối Thần Sa, mỗi lần đi xe qua mọi người đều phải co chân thật cao để khỏi chạm xuống nước, nếu cho chân xuống nước sẽ bị nổi mẩn…
Sáng 3-7, chúng tôi đi dọc suối Thần Sa, đoạn từ khu vực Bản Ná (xóm Xuyên Sơn) vào xóm Thượng Kim, thấy nguồn nước ở đây đục ngàu hòa lẫn bùn đất và bốc lên mùi hóa chất nồng nặc. Tuy Mỏ vàng Bãi Mố của Công ty CP Đầu tư thương mại Thủ đô Gió Ngàn hiện không có hoạt động khai thác nhưng nguồn nước tại khe Nước Đục vẫn bị ô nhiễm nặng.
Ông Nguyễn Văn Thế, quản lý Mỏ vàng Bãi Mố cho biết: Hiện Công ty dừng khai thác để lắp đặt lại cống dẫn nước thải vào bể lắng (thời gian trước do có mưa to nên hệ thống ống dẫn nước, bùn thải bị đá lăn làm vỡ). Vì khe Nước Đục chảy qua khu vực Bãi Mỗ nên nhiều người cho rằng hoạt động khai thác của đơn vị gây ra ô nhiễm, nhưng thực tế không phải…
Đi qua khu vực Bãi Mỗ về phía thượng nguồn, chúng tôi thấy nước ở khe Nước Đục vẫn bị ô nhiễm nặng. Theo nhiều người dân xóm Thượng Kim, nguồn nước ô nhiễm là do hoạt động khai thác, tuyển rửa vàng tại khu vực Khau Âu của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Hàng ngày, nước thải từ việc nghiền, tuyển vàng đều đổ xuống khe Nước Đục, chảy qua khu vực Bãi Mố thuộc xóm Thượng Kim rồi vào suối Thần Sa.
Ông Lê Việt Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa cho biết: Tình trạng nguồn nước của khe Nước Đục ô nhiễm đã xuất hiện trong thời gian dài, bà con cũng nhiều lần phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì phát hiện nguồn nước ô nhiễm đều chảy về từ khu vực Khau Âu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, ông Dương Văn Hào thông tin thêm: Huyện đã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, xác định ranh giới hành chính giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn để đưa ra phương án xử lý. Theo kết quả kiểm tra, khu vực hoạt động khai thác vàng tại Khau Âu nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, tỉnh đã có văn bản đề nghị phía Bắc Kạn tăng cường quản lý và xử lý vấn đề ô nhiễm do hoạt động khai thác khoáng sản tại đây. Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Nước từ khe Nước Đục đổ về suối Thần Sa và chảy qua huyện Đồng Hỷ rồi hợp lưu với sông Cầu. Việc ô nhiễm khe Nước Đục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước sông Cầu. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tích cực phối hợp với tỉnh bạn để xử lý dứt điểm tình trạng này…